Suối Lênin với nước xanh màu ngọc bích. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN |
Khu di tích đặc biệt hang Pác Bó, suối Lên Nin vừa được tỉnh Cao Bằng đầu tư tôn tạo, trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh, quy hoạch lại các khu bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe... Nhờ thế, lượng khách du lịch đến tham quan Pác Bó đã tăng gần gấp 3 lần trong 5 năm vừa qua. Năm 2013, Khu di tích Pác Bó đón hơn 50 nghìn lượt khách, đến năm 2018, lượng khách đã tăng lên 165 nghìn người. Chị Trần Thúy Vân, du khách đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Tôi đã nghe, thấy nhiều hình ảnh về Cao Bằng trên báo chí truyền hình, nhưng khi đến Cao Bằng, tôi mới cảm nhận rõ ràng nhất về vẻ đẹp của Cao Bằng. Ruộng lúa bậc thang chín vàng ruộm, núi non trùng đẹp, suối trong xanh mát, phong cảnh hữu tình, bản làng nên thơ...
Tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên hơn 6.700 km2, là cao nguyên đá vôi xen với đất, có độ cao trung bình khoảng 200m; vùng đồi núi độ cao từ 600 - 1.300m so với mặt nước biển. Núi rừng chiếm trên 90% diện tích, khí hậu trong lành mát mẻ. Cùng với sự đa dạng về sắc màu văn hóa, Cao Bằng có trên 100 lễ hội xuân, lễ hội truyền thống được tổ chức ở khắp các địa phương. Cao Bằng cũng được coi là kho tàng văn học của các dân tộc, các hình thức dân ca, dân vũ, văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, đặc biệt là làn điệu hát then đàn tính đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đền thờ Bác Hồ trong khu du lịch Pác Bó. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN |
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Cao Bằng có rất nhiều công trình văn hóa lịch sử, trong đó có 214 công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, Cao Bằng có tới 3 Di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích Pác Bó, Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo, Khu Di tích địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An); 23 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 1 bảo vật quốc gia. Về văn hóa phi vật thể, Cao Bằng có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghi lễ then Tày tỉnh Cao Bằng, Lễ hội Nàng hai xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa và nghề rèn của người Nùng An xã Phúc Sen, Quảng Uyên.
Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đang từng bước xây dựng chiến lược, đặt nền móng cho phát triển du lịch bền vững về sau. Tỉnh đã xây dựng Công viên địa chất non nước Cao Bằng và đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Sau 2 năm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ngày 12/4/2018, công viên chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Sau sự kiện này, tờ báo điện tử Inside (báo điện tử về doanh nghiệp, người nổi tiếng và tin từ tài chính, kinh doanh Mỹ) bình chọn là 1 trong 50 điểm tham quan ngoạn mục nhất thế giới.
Đây là thành công hết sức quan trọng mà theo bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, việc UNESCO công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng, mà còn là vinh dự lớn cho Việt Nam. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Cao Bằng nói riêng.
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, tỉnh Cao Bằng đã tập trung nhiều chính sách khuyến khích du lịch phát triển nên du lịch Cao Bằng có nhiều khởi sắc. Năm 2017, Khu du lịch thác Bản Giốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch trọng điểm quốc gia. Năm 2018, Cao Bằng đón 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 30% so với 2017, tổng doanh thu từ du lịch đạt 360 tỷ đồng, tăng 90% so với năm trước. Hiện nay, nhiều tập đoàn du lịch trong nước và quốc tế đang quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào du lịch Cao Bằng. Những tín hiệu khả quan đó cho thấy du lịch Cao Bằng sẽ phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế chính của tỉnh trong tương lai.
Quốc Đạt