Cao Bằng chăm lo, hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới phát triển sản xuất

Cao Bằng chăm lo, hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới phát triển sản xuất

Cao Bằng là một tỉnh biên giới còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào ở tuyến biên giới vẫn còn cao. Những năm gần đây, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đời sống của người dân ở những xóm mới vùng biên đang thay đổi tích cực. Đây là động lực để tỉnh Cao Bằng tiếp tục có những chính sách chăm lo hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống ở miền biên viễn.

Xóm biên giới Nà Thúng, xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng có 13 hộ dân, chủ yếu người dân tộc Nùng sinh sống. Những năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Ông Sầm Văn Tro, Chủ tịch UBND xã Cô Ngân cho biết, để ổn định cuộc sống người dân, các cấp, ngành đã triển khai nhiều dự án về phát triển đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa xóm, công trình thủy lợi, điện sinh hoạt... Nhờ chú trọng phát triển hạ tầng, người dân xã Cô Ngân nói chung và xóm biên giới Nà Thúng nói riêng đã ổn định cuộc sống, từng bước phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xóm Nà Thúng tăng cao hơn so với những năm trước; 100% các hộ đều thoát nghèo và có đất sản xuất.

Cao Bằng chăm lo, hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới phát triển sản xuất ảnh 1 Người dân vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng thu hoach lạc. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Cốc Pàng là một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới, xã Cốc Pàng đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao sản lượng, mở rộng diện tích phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương như cây hồi, quế, sa mộc...

Gia đình anh Khìn Văn Tuấn, xóm Nà Mìa, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống của gia đình. Anh Tuấn cho biết, năm 2018, gia đình anh được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Khi có nhà ở ổn định, anh Tuấn đã tích cực tham gia các dự án trồng rừng phát triển kinh tế. Đến nay, trên phần đất rừng được phân, gia đình anh trồng các loại cây sa mộc, thông, hồi, sở. Các cây trồng đã cho thu hoạch. Năm 2019, chỉ từ việc chưng cất tinh dầu cây hồi, gia đình anh Tuấn đã thu được hơn 40 triệu đồng. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của Nhà nước, cuộc sống gia đình anh Tuấn đã cơ bản ổn định.

Cao Bằng chăm lo, hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới phát triển sản xuất ảnh 2 Gia đình ông Thào A Vàng, xóm Lũng Vầy, xã Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng) được hưởng lợi từ mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản tạo sinh kế cho hộ nghèo. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Chủ tịch UBND xã Cốc Pàng Mò Văn Sợi cho biết: Nhờ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của xã Cốc Pàng đạt 5 - 6%, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 7 - 8%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện.

Huyện Bảo Lạc có đường biên giới dài trên 53 km qua địa bàn các xã Cốc Pàng, Cô Ba, Thượng Hà, Xuân Trường, Khánh Xuân với hơn 3.700 hộ. Ở đây, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô sinh sống xen kẽ với nhau. Xác định ổn định đời sống người dân, giúp đồng bào khu vực biên giới phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, huyện Bảo Lạc đã tăng cường triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Ích Chánh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã triển khai kịp thời Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ và một số chương trình khác để kịp thời hỗ trợ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế. Tại các xóm biên giới, người dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở, bố trí đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Trong đó, các phòng, ban chức năng tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân chăn nuôi gia súc, trồng rừng kinh tế. Đến nay, đời sống của đồng bào đã được cải thiện, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân của các xã biên giới đạt 17,6 triệu đồng/xã, bình quân giảm 1,4% hộ nghèo/năm.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, đến nay đời sống của bà con đã ổn định, đảm bảo đời sống sản xuất ở khu vực biên giới, cùng các lực lượng giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Từ năm 2010 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng 13 dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Các dự án này tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, nhà văn hóa; chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, phát triển sinh kế, liên kết sản xuất…

Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, với chức năng là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện các dự án ổn định cuộc sống người dân khu vực biên giới, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục cùng các ngành chức năng vận động nhân dân khu vực biên giới hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Cao Bằng tăng cường huy động các nguồn lực để duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng đang xuống cấp, ổn định sản xuất và sinh hoạt; ưu tiên các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới. Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ một số công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội gồm đường giao thông, trường học, điện, nước sinh hoạt, góp phần ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông thôn bền vững, lồng ghép có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên chương trình đầu tư phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc, vùng dân cư biên giới...

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm