Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La về đích nông thôn mới. Đây là kết quả của việc nhiều cách làm hay, sáng kiến mới được triển khai, nhân rộng ở các địa phương vùng biên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La.
Bản Huổi Nhương, xã Chiềng Khương với 100% dân số là đồng bào Khơ Mú. Cách đây khoảng 10 năm, khi nhắc đến tên bản Huổi Nhương hầu như ai cũng nhớ đến đặc điểm nổi bật nhất đó là bản nghèo nhất của xã Chiềng Khương. Khi đó, bà con ở đây chủ yếu canh tác lúa nương và trồng ngô. Theo phong tục tập quán từ cha ông để lại, mỗi năm, người dân chỉ làm một vụ, sau đó thì nghỉ suốt thời gian còn lại. Vì thế, cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám người dân ở đây.
Nhưng trong thời gian 5 năm trở lại đây, đời sống kinh tế của bà con trong bản đã có sự thay đổi ngoạn mục. Tất cả là nhờ vào sự thay đổi trong tư duy của người dân và chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc.
Gia đình ông Quàng Văn Thuông ở bản Huổi Nhương là một trong những hộ dân tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Với 2 ha đất nương vốn chỉ trồng ngô trồng sắn quanh năm chẳng đủ ăn, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng nhãn và các cây ăn quả khác.
Trước đây, khu đất 2 ha này trồng ngô mỗi năm cho thu nhập trung bình chỉ từ 15-20 triệu đồng. Khi trồng nhãn, ngay từ năm đầu tiên cho thu hoạch đã mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng. Vụ nhãn năm nay, dự kiến gia đình ông sẽ thu hoạch khoảng 25 tấn quả, với mức giá khoảng 20.000 đồng/kg như hiện tại sẽ mang lại nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng.
Ông Quàng Văn Thuông chia sẻ, tổ tiên người Khơ Mú chỉ biết canh tác nương lúa, nương ngô. Về sau, thấy đồng bào người Kinh mang cây nhãn từ Hưng Yên lên trồng và cho thu nhập cao gấp nhiều lần cây ngô. Từ đó, ông đã đi tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật để trồng nhãn. Ban đầu, ông chỉ trồng trên một nửa khu đất của gia đình với diện tích khoảng 1ha, khi thấy hiệu quả ông đã vận động con cháu trong nhà học hỏi, làm theo. Từ mô hình của gia đình ông, bà con trong bản đã đến học tập và nhân rộng, nhờ đó cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá.
Nhận thấy phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng để nâng cao hiệu quả kinh tế, nên chỉ sau một thời gian ngắn diện tích cây ăn quả của bản Huổi Nhương đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, bản có gần 100 ha, thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Có của ăn của để, đời sống kinh tế ổn định, bà con Huổi Nhương cùng nhau góp công, góp sức để xây dựng nông thôn mới.
Ông Lường Văn Phong, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Huổi Nhương cho biết, trước đây, tỉ lệ hộ nghèo của bản là hơn 50%, nhưng nay còn 7 hộ nghèo và cận nghèo. Để đạt được kết quả đó, chi bộ bản đã triển khai các chủ trương phát triển kinh tế đến từng người dân. Đồng thời, cán bộ, đảng viên luôn là người gương mẫu, đi đầu khi thực hiện các mô hình kinh tế. Nhờ đó, bà con trong bản khi thấy hiệu quả đã tin tưởng và làm theo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Khi đời sống đi vào ổn định, việc huy động nhân dân góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới cũng thuận lợi hơn trước. Đến nay, hệ thống đường nội bản đã được bê tông, cứng hóa, nhà ở của đồng bào được xây dựng khang trang, có đủ các công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Thời gian tới, chi bộ bản đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ không còn hộ nghèo và cận nghèo.
Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có hơn 20km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với 4 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Thái, Khơ Mú, Xinh Mun. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Khương đã huy động trên 70 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 47 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 23 tỷ đồng, hơn 31.000 ngày công, hiến trên 12.000 m2 đất để hoàn thành 170 tuyến đường giao thông nội bản, dài gần 50km; tất cả các xã, bản đã xây dựng được nhà văn hóa.
Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới được người dân trong xã đồng tình và ủng hộ rất cao. Xã Chiềng Khương cũng xác định xây dựng nông thôn mới điều cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để đạt được điều này, chính quyền xã đã có những cách làm sáng tạo.
Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Khương cho biết, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới xã đặc biệt quan tâm đến huy động sức dân, bởi mục đính chính của chương trình này là phục vụ cho nhân dân, bản thân và chính gia đình của họ. Thông qua các buổi tuyên truyền, nhân dân đã thấy được kết quả của việc xây dựng nông thôn mới gắn liền với cuộc sống hàng ngày, nên việc vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực đã nhanh chóng được bà con ủng hộ.
Cùng với đó, chính quyền xã đã nhân rộng mô hình cán bộ, đảng viên phụ trách chi bộ bản, thường xuyên đến bản cùng và triển khai hướng dẫn cho bà con nhân dân. Đồng thời, lấy đảng viên đi đầu, tiên phong trong việc tuyên truyền, xây dựng các mô hình kinh tế. Từ đó, cầm tay chỉ việc, giúp bà con thay đổi nhận thức để áp dụng vào cuộc sống.
Sông Mã là huyện biên giới của tỉnh Sơn La, có trên 40km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Phát huy tiềm năng, thế mạnh nhất là trong phát triển kinh tế nông nghiệp đã giúp Sông Mã đã thoát khỏi tình trạng huyện khó khăn của tỉnh. Thông qua việc chuyển đổi sản xuất, phát triển cây ăn quả đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mông, Khơ Mú, Xinh Mun dần thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất hàng hóa. Từ đó, góp phần vào quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đưa diện mạo nông thôn ở những bản làng vùng cao, vùng khó khăn đang đổi thay từng ngày.
Đến nay, sau hơn 9 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Sông Mã đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm xã biên giới Chiềng Khương và xã Chiềng Sơ; có 8 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 5 xã đạt từ 6 - 7 tiêu chí. Hết năm 2019, bình quân các xã trên địa bàn huyện đạt 10,06 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân để tạo sự đồng thuận từ hệ thống chính trị đến các tầng lớp nhân dân. Do đặc thù, người dân trên địa bàn huyện Sông Mã hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện đóng góp còn khó khăn nên chính quyền địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động đến từng người dân. Từ đó, giúp họ nắm được chủ trương, chính sách để tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Cùng đó, khi lập dự án, triển khai các công trình cơ sở hạ tầng người dân phải được bàn và được quyết định theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân được thụ hưởng”. Ngoài ra, các mức đóng góp, huy động của người dân cũng được công khai, minh bạch.
Thông qua thực hiện từng công việc cụ thể, đến nay đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Sông Mã đã đồng thuận, ủng hộ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng các việc làm cụ thể như: góp ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi; đóng góp kinh phí để thực hiện công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nước sinh hoạt. Từ đó, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc tại huyện Sông Mã.
Hữu Quyết