Trong một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ngày 2/6, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về sự gia tăng số ca ngộ độc ở trẻ em liên quan việc dùng melatonin để hỗ trợ giấc ngủ, trong đó nhấn mạnh rằng số các trường hợp này đặc biệt "nhảy vọt" trong đại dịch COVID-19.
Trong năm 2021, các trung tâm kiểm soát chất độc của Mỹ đã nhận được hơn 52.000 cuộc gọi thông báo về việc trẻ em tiêu thụ lượng thực phẩm bổ sung này - tăng gấp 6 lần so với khoảng 10 năm trước đó. Hầu hết những cuộc gọi nêu trên là về trường hợp trẻ nhỏ vô tình uống phải melatonin, một số trong số đó có dạng kẹo cao su dành cho trẻ em.
Tiến sỹ Karima Lelak - bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Michigan, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết cha mẹ của các em nhỏ này có thể đã cho rằng melatonin cũng giống như vitamin và do đó đã để loại thực phẩm chức năng này trên tủ đầu giường. Bà nhấn mạnh: “Trên thực tế, đây là một loại thuốc có khả năng gây hại và nên được cất vào tủ thuốc”.
Melatonin là một loại hormone giúp kiểm soát chu kỳ giấc ngủ của cơ thể. Theo các chuyên gia, melatonin đã trở thành một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ được dùng khá phổ biến mà không cần kê đơn. Doanh số bán melatonin hằng năm đã tăng 150%, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020.
Ở Mỹ, melatonin được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung, không được quản lý như một loại thuốc. Cũng chính vì lý do này, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không giám sát độ tinh khiết hoặc độ chính xác về các hàm lượng thành phần cấu thành thuốc.
Nhiều nhà nghiên cứu thậm chí đã phát hiện ra rằng những gì được ghi trên bao bì có thể không khớp với những gì thực sự có trong sản phẩm thuốc này và một số quốc gia đã cấm bán melatonin không kê đơn.
Các chuyên gia cho biết nhiều người có thể dung nạp liều lượng tương đối lớn melatonin mà không gây hại đáng kể, nhưng lại không có thuốc giải độc cho trường hợp quá liều. Trong trường hợp một em nhỏ vô tình dùng melatonin, các bậc cha mẹ cần theo sát tình trạng sức khỏe của con và đưa con đến bệnh viện khi các em có nhịp thở chậm lại hoặc xuất hiện các dấu hiệu đáng lo ngại khác.
Theo Tiến sỹ Lelak, trong năm 2012 đến năm 2021, đã có hơn 260.000 cuộc gọi thông báo về việc trẻ em dùng quá nhiều melatonin. Số các báo cáo về melatonin chiếm khoảng 0,6% tổng số các cuộc gọi thông báo về các trường hợp liên quan chất độc vào năm 2012, và khoảng 5% các cuộc gọi vào năm 2021. Trong giai đoạn 10 năm tiến hành nghiên cứu này, hơn 4.000 trẻ em đã phải nhập viện do dùng melatonin, 5 trẻ phải dùng máy trợ thở và 2 trẻ (dưới 2 tuổi) đã tử vong.
Các vụ ngộ độc melatonin được báo cáo đã gia tăng trong 10 năm trở lại đây, nhưng mức tăng lớn nhất xảy ra sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ vào năm 2020. Từ năm 2019 đến năm 2020, con số này tăng 38%. Theo bà Lelak, nhiều trẻ em ở nhà cả ngày hơn, đồng nghĩa với việc các em có nhiều cơ hội tiếp cận melatonin hơn. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 gây tâm trạng căng thẳng, mất ngủ và theo đó nhiều gia đình quan tâm đến melatonin hơn.
Thanh Phương