Hằng năm, cứ vào kỳ nghỉ hè là số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Tại vùng núi cao Lào Cai, dịp hè, ngoài nỗi lo trẻ em gặp các tai nạn thương tích như bỏng, điện giật, hóc dị vật, ngã, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm… một nguy cơ thường trực là đuối nước. Trong mùa mưa lũ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa của Lào Cai càng phải đối mặt với nhiều loại tai nạn thương tích, đòi hỏi gia đình và các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc.
Nguy cơ đuối nước mùa mưa lũ
Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 hằng năm luôn là thời điểm mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại Lào Cai. Đây cũng là thời điểm ghi nhận nhiều vụ tử vong ở trẻ do thiên tai gây ra.
Một số tai nạn đuối nước thương tâm như, sáng 12/8/2022, cháu V. Đ. D (sinh năm 2007, trú tại tổ 16, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai) bị nước lũ cuốn trôi khi đi xe điện qua đập tràn làng Dạ, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai. Sau 3 ngày tích cực tìm kiếm, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của cháu bị nước lũ cuốn trôi cách vị trí gặp nạn khoảng 4km.
Một ngày sau, một vụ tai nạn thương tâm khác do lật thuyền trên sông Chảy đoạn qua huyện Si Ma Cai khiến 5 người tử vong, trong đó có 3 trẻ em. Chiều 2/9/2022, tại đoạn suối chảy thôn Thèn Phùng, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà), lũ lớn từ thượng nguồn đột ngột tràn về cuốn mất tích một trẻ em trên đường lùa trâu về nhà.
Gần đây nhất, vào khoảng 8 giờ ngày 28/7/2023, ông Giàng A. P. trú tại thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây đưa theo con gái là Giàng T. N. (sinh năm 2008) đi qua suối Nậm Xây Luông. Khi đến giữa suối, bất ngờ gặp lũ lớn, cháu N. bị trượt chân ngã xuống nước và bị nước cuốn trôi về phía đập Thủy điện Nậm Xây Luông 4, mất tích. Đến 14 giờ 15 phút ngày 29/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân Giàng T. N tại lòng hồ Thủy điện Nậm Xây Luông 4.
Mùa mưa lũ ở miền núi Lào Cai còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho người dân nói chung và trẻ em nói riêng như: điện giật, sét đánh, sạt lở, mất an toàn giao thông...
Để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân, ngay từ đầu mùa bão, chính quyền địa phương và các cơ quan chức tỉnh Lào Cai đã yêu cầu sơ tán, di chuyển ngay những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ cao do trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn và có biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp không di chuyển; cử người cảnh giới và cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.
Các gia đình được khuyến cáo không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy; không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú để kịp di chuyển về nhà khi có mưa, lũ. Đặc biệt, không cho trẻ vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao; có biện pháp quản lý chặt chẽ không cho con mình qua lại những khu vực ngầm tràn khi có lũ, vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Người lớn cần giám sát chặt chẽ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai thông tin đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích, trong đó số trẻ em phải nhập viện điều trị có chiều hướng gia tăng.
Khoa Ngoại, chấn thương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai từ đầu mùa hè đến nay mỗi ngày đều tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân bị tai nạn thương tích. Đáng chú ý, trong 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân trong độ tuổi thanh, thiếu niên bị tai nạn thương tích chiếm từ 20 - 30% với các mức độ chấn thương khác nhau. Nhiều nhất là các trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt; có trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch hoặc phải điều trị dài ngày, nguy cơ để lại di chứng.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 3.248 người mắc tai nạn thương tích. Trong đó, đối tượng là học sinh, sinh viên có 628 trường hợp, chiếm 19,3%. Ngã là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, thương tích với 1.120 trường hợp, chiếm 34,5%. Tiếp theo là tai nạn giao thông với: 829 trường hợp, chiếm 25,5%. Nguyên nhân gây tử vong cao nhất là đuối nước với 12 trường hợp, chiếm 27,3%.
Các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân gia tăng các ca tai nạn thương tích trẻ em do thời gian này các em được nghỉ học, được tự do vui chơi nhưng thiếu sự giám sát của gia đình. Bên cạnh đó, trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh, rất dễ bị tai nạn thương tích. Trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà như ngã, bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hoá chất… Trẻ từ 6-15 tuổi thường gặp tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông bởi trẻ vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Do đó, việc người lớn giám sát trẻ chặt chẽ và tích cực phối hợp với cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ nhằm phòng tránh tai nạn thương tích.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, phụ huynh cần thường xuyên dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông, hay khi trẻ leo trèo, nghịch ngợm. Người chăm sóc trẻ cần được trang bị các kỹ năng phòng ngừa, cấp cứu ban đầu, hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cơ bản nhất tránh nguy cơ đối mặt với những tai nạn khi sinh hoạt, vui chơi. Tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở… Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã.
Đối với trẻ lớn, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục các em cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ giao thông, không vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, đùa nghịch, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác. Tuyệt đối không cho trẻ tập hay đi xe máy, xe đạp điện khi trẻ chưa đủ tuổi theo quy định.
Hương Thu