Cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ so biển

Sam biển quen thuộc và gắn liền với người dân các địa phương ven biển của tỉnh Nghệ An. Tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và các thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò, các món ăn chế biến từ sam biển hiện diện khá đa dạng trong văn hóa ẩm thực của người dân và nằm trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn. Điều đáng lo lắng, trong khi sam biển là loài hải sản không độc, có giá trị dinh dưỡng, thương phẩm thì loài so biển có họ hàng và ngoại hình, màu sắc rất giống con sam lại chứa độc tố tetrodotoxin cực mạnh, có thể gây tử vong khi con người ăn phải.

vna_potal_nghe_an_can_nang_cao_canh_giac_de_phong_nguy_co_ngo_doc_tu_con_so_bien__7692404.jpg
3 cạnh của đuôi sam (trong ảnh) đều có gai nhọn như răng cưa, cuối đuôi khá nhọn. Khác hẳn với đuôi so không có gai nhọn, cuối đuôi khum tròn. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Khó phân biệt giữa con sam và con so

Sam biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Theo các nguồn tài liệu khoa học, trên thế giới họ sam (Xiphosuridae) có 4 loài, riêng ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda). Sam phân bố ở các vùng ven biển, môi trường sinh sống gắn liền với các dải cát tại khu vực có thủy triều cao.

Sam có thân mình tròn dẹt, đường kính khoảng 20cm, mai cứng như vỏ cua, bụng có 10 chân nhỏ, đuôi dài. Sam cái trưởng thành có trọng lượng từ 1,5 đến hơn 3kg, sam đực nhỏ hơn với trọng lượng khoảng 1- 2 kg.

So biển cũng là loài giáp xác, thân mềm, sinh sống ở các vùng ven biển, cửa sông, lạch nước ngọt. Kích thước và cân nặng con so nhỏ hơn con sam. Màu sắc và hình dáng so biển khá tương đồng với sam biển. Sam và so đều bơi chậm, có thể bò trên cạn.

samvaso.jpg
Phân biệt giữa sam và so. Ảnh: phunuonline.com.vn

Nhiều năm qua, tại các xã miền biển, bãi ngang huyện Diễn Châu (Nghệ An) như Diễn Bích, Diễn Ngọc có nhiều cơ sở thu mua sam biển với số lượng lớn từ các tàu, thuyền cập bến rồi bán lẻ ra thị trường cho người dân, hoặc nhập cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài huyện. Từ thịt, trứng, bộ phận chân càng của sam, sau khi sơ chế dùng chế biến thành nhiều món ăn như chân sam xào chua ngọt, gỏi sam, xào sả ớt, trứng sam chiên, sụn sam nướng, thịt tẩm bột rán, thịt xào miến, trứng chiên xúc bánh đa… Những món ăn này có mùi vị đặc trưng, hấp dẫn người thưởng thức.

Hiện đang là mùa sam biển sinh sản (từ tháng 10 đến tháng 2 Âm lịch hằng năm) nên sam cái có nhiều trứng, thịt nhiều, chắc và béo. Giá bán tại các cơ sở trên địa bàn dao động từ 90.000 đồng đến 130.000 đồng/con (tùy vào kích thước, cân nặng). Sam biển cũng được người dân địa phương rao bán trên mạng xã hội facebook, zalo… Nếu người mua có nhu cầu, chủ cơ sở sẽ sơ chế, mổ và bóc mai, cắt chân, gỡ trứng sam và giao đến tay cho khách hàng.

Anh Cao Văn Thái, xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích cho biết: Nếu người dân không có kinh nghiệm, không tìm hiểu kỹ lưỡng thì việc nhầm lẫn giữa sam và so rất dễ xảy ra. Cảm quan ban đầu khi nhìn thì hình dáng giữa chúng giống nhau.

Nhiều ngư dân trên địa bàn các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích có thâm niên lâu năm gắn bó với nghề biển cho hay, trong quá trình khai thác hải sản ngư trường vùng khơi, nhiều con sam đã vào lưới của ngư dân. Trên địa bàn các xã này chưa có phương tiện nào chuyên đi đánh bắt, khai thác sam biển. Con so thì hiếm gặp hơn nên người dân ít nhìn thấy và mất đi cơ hội được đối sánh, quan sát trực quan. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc nhầm lẫn giữa hai loài sinh vật này dễ xảy ra.

Để phân biệt con so và con sam, theo ngư dân cao tuổi Hồ Văn Thắng, xã Diễn Bích chia sẻ, bộ phận mai của con sam có màu nâu đồng, còn con so có màu nâu pha chút xanh lơ. Đuôi sam có 3 cạnh, trên mỗi cạnh có gai nhọn, cuối đuôi khá nhọn, nếu cắt ngang đuôi có tiết diện hình tam giác. Còn đuôi so khi cắt ngang có tiết diện tròn hoặc bầu dục, trên đuôi không có gai nhọn, cuối đuôi khum tròn. Con sam khi di chuyển thường đi theo cặp, sam đực bám lên lưng con cái. Con so thường đi đơn lẻ, chỉ đi theo cặp vào mùa giao phối.

vna_potal_nghe_an_can_nang_cao_canh_giac_de_phong_nguy_co_ngo_doc_tu_con_so_bien__7692402.jpg
Bộ phận mai của con sam (trong ảnh) hình tròn, có màu nâu đồng, khác với con so, mai có màu nâu pha chút xanh lơ. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Tử thần mang tên so biển

Cùng với cá nóc, sứa bắp cày, sứa lửa, bạch tuộc đốm xanh, ốc cối, rắn biển (đẻn biển)…, so biển được xếp vào danh sách những loài sinh vật nguy hiểm trong môi trường biển Việt Nam. Nước ta chưa có người nào bị ngộ độc, tử vong do ăn sam biển. Tuy nhiên đã ghi nhận nhiều trường người bị hợp ngộ độc và tử vong do ăn so biển. Nguyên nhân là do người dân nhầm so biển với sam, không biết so biển có chứa độc tố cực mạnh nên đã dùng so biển chế biến thức ăn.

Theo Y học, chất cực độc tetrodotoxin (độc tố này có trong cá nóc) ở so biển hầu như có ở các bộ phận và tập trung nhiều nhất ở buồng trứng của con cái. Độc tố tetrodotoxin không bị nhiệt phá hủy khi nấu, nướng chín, sấy hay phơi khô theo cách thông thường. Vào mùa sinh sản, lượng chất độc chứa trong buồng trứng càng nhiều và nguy hiểm hơn. Nếu nhầm con so thành con sam, khi chế biến, nguy cơ các bộ phận khác bị nhiễm độc tetrodotoxin từ trứng của con so càng lớn.

Qua các vụ ngộ độc so biển xảy ra trên cả nước đều cho thấy mức độ rất nặng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, liều tử vong đối với người là 1- 2 miligam độc chất tetrodotoxin. Chất độc này được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa khoảng từ 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ từ 30 đến 60 phút, muộn nhất là khoảng 5 giờ sau khi ăn, các triệu chứng ngộ độc như: tê bì môi, lưỡi, quanh vùng miệng và chân, tay, dị cảm vùng mặt, đau bụng, đổ mồ hôi, buồn nôn, tăng tiết đờm nhớt, trạng thái lơ mơ, toàn thân mệt mỏi, huyết áp tụt, thở khó… sẽ xuất hiện. Nếu không được cứu chữa kịp thời chất độc sẽ gây ức chế thần kinh, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho chứng ngộ độc tetrodotoxin.

Ngày 7/6/2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn số 1281/ATTP-NĐTT về chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc. Trong đó, đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không đánh bắt, kinh doanh, sử dụng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào; không được ăn so biển khi chưa phân biệt rõ được đó là so biển hay sam biển. Đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm trong đánh bắt, kinh doanh và tiêu dùng thủy, hải sản….

Hải An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm