Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Chủ nhiệm Dự án "Dạy nghề và chữ viết cho người dân tộc Khmer" Tào Việt Thắng (Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ) cho biết: Xuất phát từ mục đích tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sinh kế và bảo tồn chữ viết, nhóm nghiên cứu đã triển khai các mô hình dạy chữ Khmer thông qua hệ thống các chùa Khmer, hướng dẫn đồng bào Khmer trồng lúa và làm thủ công mỹ nghệ. Kết quả cho thấy, thu nhập của đồng bào được tăng lên, các nguồn sinh kế đa dạng, năng lực sản xuất cũng như gìn giữ chữ viết Khmer tốt hơn.
Cụ thể, với nguồn kinh phí gần 600 triệu đồng, nhóm nghiên cứu đã triển khai các nhóm mô hình dạy chữ và dạy nghề cho 183 học viên người Khmer từ 15 - 60 tuổi tại huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ). Kết quả của Dự án là tiền đề để nhân rộng, triển khai mô hình này đến cộng đồng người Khmer trong tất cả 9 quận, huyện của thành phố, cũng như nghiên cứu triển khai đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số khác đang sinh sống tại địa phương.
Qua phân tích tập quán, văn hóa của đồng bào Khmer, nhóm nghiên cứu nhận thấy phương cách canh tác trồng lúa của cộng đồng này đã lạc hậu nên năng suất không cao, đầu ra bấp bênh, thu nhập vì vậy không ổn định. Do đó, nhóm nghiên cứu đã thiết kế các chương trình hội thảo, mời các chuyên gia đến trao đổi kiến thức, hướng dẫn đồng bào Khmer trồng lúa theo phương thức ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, lựa chọn các giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất cao... Với phương thức này, thu nhập từ trồng lúa của đồng bào Khmer đã được cải thiện đáng kể, nông dân an tâm với nghề nông, giảm thiểu tình trạng di cư tự do, giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào Khmer, nhóm nghiên cứu còn mở rộng mô hình dạy nghề đan lục bình cho người dân. Mô hình này có ưu điểm là sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, rẻ tiền, dễ thao tác. Từ các lớp dạy nghề, lượng lao động thuần thục nhanh chóng gia tăng, đồng nghĩa với nguồn thu nhập của đồng bào Khmer được tăng lên, cải thiện đáng kể chất lượng sống.
Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ người Khmer biết viết chữ Khmer rất ít và ngày càng giảm. Xuất phát từ văn hóa sinh hoạt cộng đồng tại chùa của người Khmer, nhóm nghiên cứu đã triển khai mô hình dạy chữ Khmer tại các chùa này. Những trí thức người Khmer, những giáo viên dạy chữ Khmer được mời về đứng lớp. Với phương thức này, tỷ lệ người biết chữ Khmer được cải thiện đáng kể. Hoạt động này mang ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ đồng bào Khmer gìn giữ chữ viết của dân tộc mình, đồng nghĩa với gìn giữ văn hóa cộng đồng Khmer không bị mai một theo thời gian.
Tiến sĩ Trần Thanh Bé, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng, Dự án "Dạy nghề và chữ viết cho người dân tộc Khmer" là một dự án mang ý nghĩa kinh tế - văn hóa - xã hội to lớn. Mỗi cộng đồng dân cư giàu mạnh thì xã hội giàu mạnh, các dân tộc thiểu số gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình làm cho bức tranh văn hóa của Việt Nam càng đa dạng, nhiều màu sắc. Những mô hình trong dự án mang tính thực tiễn cao. Do đó, trong thời gian tới, cần có sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan để Ban Chủ nhiệm Dự án nhân rộng mô hình này ra các cộng đồng dân tộc thiểu số khác đang sinh sống trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Ánh Tuyết