Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng của khẩu Quốc tế Lệ Thanh bổ sung kiến thức cho các em học sinh vùng biên giới tỉnh Gia Lai . Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, năm học 2014-2015, số học sinh theo học tiếng Jrai là 7.117 học sinh với 283 lớp, số học sinh học tiếng Bahnar là 1.101 học sinh với 41 lớp. Tuy nhiên, đến năm học 2017-2018, số lượng học sinh theo học tiếng Jrai giảm xuống chỉ còn 1.271 học sinh với 48 lớp và 741 học sinh học tiếng Bahnar ở 29 lớp. Em Ksor Thiêm, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phú Cần, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, nói: “Em học tiếng Jrai để bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình. Bà con trong làng đều nói tiếng Jrai nên nếu em không học, sẽ không hòa nhập được với mọi người. Lúc trước, lớp học đông lắm, nay các bạn nghỉ gần hết”. Lý giải tình trạng học sinh theo học tiếng Jrai và Bahnar giảm mạnh trong khối các trường học, ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Để đảm bảo việc dạy 2 tiết/tuần của các môn học tự chọn, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất như phòng học, sách, thiết bị, tiêu chuẩn, trình độ người dạy, nhu cầu của người học theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Từ năm học 2008-2009, sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Jrai và Bahnar được cấp miễn phí cho các trường học có tổ chức dạy học tiếng dân tộc. Tuy nhiên, từ năm học 2015-2016, sách không được cấp miễn phí và cũng không được bán trên thị trường. Các trường muốn dạy tiếng dân tộc thiểu số phải phô -tô sách, kinh phí không thu được từ phụ huynh. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cũng không được đào tạo chuyên ngành, chỉ có chứng chỉ tiếng Jrai hay Bahnar. Ngoài ra, từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong điều kiện không thể dạy học tăng buổi trong tuần hoặc dạy học 2 buổi/ngày, các trường đã điều chỉnh giảm nội dung, thời lượng dạy học các môn học khác, để tập trung tăng thời lượng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đây cũng là một trong những lý do các trường học buộc phải giảm hoặc bỏ dạy tiếng Jrai, Bahnar cho học sinh để có thời gian tăng cường dạy tiếng Việt. Nhiều trường không đủ điều kiện, khó tổ chức mở lớp do gặp khó khăn về sách giáo khoa, thời lượng bố trí tiết học, nhu cầu của phụ huynh, đội ngũ giáo viên... là những nguyên nhân khiến việc tổ chức giảng dạy tiếng dân tộc như một môn học tự chọn gặp khó khăn, ông Huỳnh Minh Thuận cho hay. Thiết nghĩ, với số lượng học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cần có những chính sách đặc thù riêng để tiếp tục triển khai việc dạy tiếng Jrai, Bahnar trong các trường học như một môn học tự chọn; qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc địa phương.
Hồng Điệp