Cần sớm quy hoạch và khôi phục các giá trị di tích chùa Ngũ Đài – Hải Dương

Cần sớm quy hoạch và khôi phục các giá trị di tích chùa Ngũ Đài – Hải Dương
Quang cảnh Tọa đàm khoa học. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Quang cảnh Tọa đàm khoa học. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Chùa Ngũ Đài là di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh từ năm 2005. Chùa có tên chữ là Kim Quang Tự. Tương truyền, chùa được khởi dựng từ thời Nhà Trần vào thế kỷ XIV và được đại trùng tu vào thế kỷ XVII, XVIII, là di tích thuộc thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã bị tàn phá và được di chuyển vị trí nhiều lần. Các tài liệu, thư tịch, bia ký về ngôi chùa đã bị mai một. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại cuộc tọa đàm.
Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Các ý kiến từ những chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực Hán Nôm, Tôn giáo, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại tọa đàm đều thống nhất nhận định chùa Ngũ Đài là di tích có ý nghĩa quan trọng với Thiền phái Trúc Lâm, Phật giáo ở Việt Nam và đặc biệt có ý nghĩa khi đặt trong phức hợp các di tích ở khu vực xung quanh như Côn Sơn- Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai thuộc thị xã Chí Linh (Hải Dương) và chùa Yên Tử ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh). Cảnh quan chùa Ngũ Đài nhờ sự nỗ lực của địa phương mà hiện vẫn còn giữ lại được tương đối vẻ nguyên sơ, cổ kính. 
 
Quang cảnh chùa Ngũ Đài hiện nay. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
 Quang cảnh chùa Ngũ Đài hiện nay. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Các nhà khoa học đều cho rằng, cần có một nghiên cứu tổng thể, trong đó khảo cổ học phải đi trước một bước để có những căn cứ dữ liệu làm rõ về niên đại, quy mô chùa Ngũ Đài cũng như các tầng văn hóa ở khu vực ngôi chùa này. 

Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển  mong muốn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng các cơ quan chuyên môn của Trung ương, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, phát hiện và sưu tầm thêm những tài liệu mới liên quan, để góp phần chứng minh giá trị, vai trò của chùa Ngũ Đài trong hệ thống di tích tỉnh Hải Dương nói chung và hệ thống di tích Phật giáo Trúc Lâm nói riêng. 
 
Bát hương bằng đá, một trong những hiện vật cổ ở chùa. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Bát hương bằng đá, một trong những hiện vật cổ ở chùa.
Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Các nhà khoa học tham quan chùa Ngũ Đài. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Các nhà khoa học tham quan chùa Ngũ Đài. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học tích cực tham mưu cho UBND tỉnh để sớm phê duyệt kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, thám sát và khai quật khảo cổ để từ đó phục vụ công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích trong thời gian tới. 

Trên cơ sở kết quả thám sát và khai quật khảo cổ của di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với thị xã Chí Linh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị di tích; thực hiện tốt công tác tổ chức liên kết vùng giữa chùa Ngũ Đài, xã Hoàng Tiến với hệ thống các di tích thiền phái Phật giáo Trúc Lâm lân cận trên cơ sở bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch của tỉnh Hải Dương. 

Song song với đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề nghị thị xã Chí Linh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh có kế hoạch rà soát lại và khoanh vùng bảo vệ đối với không gian di tích.
Mạnh Minh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm