Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…cùng lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Nhiều khó khăn vùng tái định cư Thủy điện Sơn La Để đáp ứng mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước là “đảm bảo cuộc sống của người dân tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ”, những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La. Trên cơ sở đó, các tỉnh đã ban hành kịp thời nhiều văn bản cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai thực hiện dự án. Sau hơn 15 năm thực hiện dự án, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành di chuyển toàn bộ 20.340 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ, đáp ứng tiến độ tích nước hồ chứa và xây dựng hoàn thành Nhà máy Thủy điện Sơn La vượt tiến độ 2 năm so với Nghị quyết số 13/2002/QH11 ngày 16/12/2002 của Quốc hội. Đến nay, điều kiện kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La đã từng bước phát triển. Các hộ dân tái định cư đến nơi ở mới đều có nhà ở khang trang hơn nơi ở cũ. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt, từng bước ổn định cuộc sống của người dân… Tuy nhiên, qua kết quả điều tra, khảo sát thực tế tại các khu, điểm tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La cho thấy, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu còn bộc lộ một số tồn tại: Đời sống người dân vùng tái định cư tuy đã được cải thiện rõ rệt, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm nhưng vẫn còn cao. Thu nhập bình quân đầu người tuy tăng so với thời điểm trước khi di chuyển nhưng vẫn ở mức thấp, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo trong thời gian tới. Ngoài ra, lực lượng lao động trong vùng tái định cư chủ yếu là lao động nông nghiệp, chưa qua đào tạo; tỷ lệ lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề khác như dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch còn thấp. Mặt khác, việc xây dựng các phương án chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm cho người dân thuộc dự án di dân, tái định cư còn chậm. Các công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu…
Người dân tại điểm tái định cư đô thị tại bản Phiêng Nèn 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La được cấp diện tích đất chỉ đủ để ở. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Cần sớm ổn định dân cư vùng tái định cư Thủy điện Sơn La Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về những nội dung liên quan đến Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, đáp ứng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra, việc sớm tổ chức triển khai thực hiện đề án trên là rất cần thiết. Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho rằng, việc chưa phê duyệt đề án, gây ảnh hưởng lớn đến việc ổn định đời sống và sản xuất của đồng bào vùng tái định cư Thủy điện Sơn La. Do đó, tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La”, với thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2025. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai hiệu quả, nâng cao đời sống đồng bào vùng tái định cư. Từ thực tiễn công tác di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La trong 15 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc sớm xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La” là rất cần thiết. Việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án cũng đồng thời đáp ứng mục tiêu và chủ trương của Đảng và Nhà nước là “Đảm bảo cuộc sống của người dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ”. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong quá trình soạn thảo đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và hoàn thiện các nội dung theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đề án đã cơ bản hoàn thành, sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh sau buổi làm việc này để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Người dân tái định cư làm việc tại một nhà máy may đóng tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, thời gian tới, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cần tiếp tục rà soát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc ngành, sản phẩm và các vùng kinh tế; từ đó, tạo ra những ngành, sản phẩm chủ lực, có tính chất động lực phát triển. Trên cơ sở kết quả tái cấu trúc, các địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát lại quy hoạch để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, kể cả xây dựng mới các quy hoạch phù hợp với thực tiễn phát triển. Từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, xác định rõ thứ tự ưu tiên, nguồn lực thực hiện…
Nguyễn Cường