Người dân gia cố tạm thời bờ sông bằng các vật liệu thô sơ. Ảnh: Lê Thúy Hằng -TTXVN |
Theo người dân địa phương, khu vực khóm 3, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh từng xảy ra 3 đợt sạt lở liên tiếp ăn sâu vào bờ khoảng 10m, dài hơn 100m vào ngày 22 và 23/8/2017. Sạt lở cũng đã khiến hai căn nhà bị trôi xuống sông, nhiều nhà của các hộ dân còn lại cũng xuất hiện vết rạn nứt. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và bố trí chỗ ở tái định cư cho bà con. Tuy nhiên sau đó, sạt lở tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ Tết Nguyên đán 2018 đến nay, sạt lở diễn ra thường xuyên hơn. Hiện nay, sạt lở tiếp tục xoáy sâu vào đoạn đường dân sinh, tạo nên những hàm ếch rộng phía chân đất và làm mặt đường bị sụt lún nghiêm trọng. Để hạn chế sạt lở lấn sâu, người dân đã sử dụng những vật liệu thô sơ như cây gỗ, bao cát và dây thép để gia cố tạm thời.
Một đoạn đường dân sinh bị sạt lở làm hư hồng, người dân đã nhiều lần gia cố để giữ đất. Ảnh: Lê Thúy Hằng -TTXVN |
Ông Phạm Văn Nhàn ngụ khóm 3, phường Thành Phước cho biết, từ Tết Nguyên đán 2018 đến nay, người dân địa phương đã nhiều lần tự góp tiền lại để mua vật tư gia cố tạm thời. Tuy nhiên cứ được ít ngày, đoạn đường dân sinh lại hư hỏng trở lại.
Những căn nhà bị bỏ hoang chờ sạt lở. Ảnh: Lê Thúy Hằng-TTXVN |
Toàn bộ dãy nhà phía ngoài đoạn đường dân sinh đã bị sạt lở và chìm xuống sông Hậu. Ảnh: Lê Thúy Hằng-TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh Nguyễn Văn Dân, đối với tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực khóm 3, phường Thành Phước xảy ra trước đó, chính quyền địa phương đã di dời và bố trí chỗ ở mới ổn định cho 31 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở tại khu vực này lại tiếp tục diễn ra và phức tạp hơn. UBND thị xã Bình Minh đã chỉ đạo UBND phường Thành Phước theo dõi, hỗ trợ người dân gia cố cục bộ tại các vị trí sạt lở. Nếu tình trạng còn diễn biến phức tạp, thị xã Bình Minh sẽ chỉ đạo phường Thành Phước thông báo người dân tạm ngừng lưu thông qua đoạn này để đi một con đường khác an toàn hơn; đồng thời sẽ trình UBND tỉnh, các sở, ngành có hướng chỉ đạo để kịp thời đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Người dân dùng dây thép để chằng chéo giữ đất. Ảnh: Lê Thúy Hằng-TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Dân cho biết thêm, dự kiến kinh phí xây dựng kè kiên cố chống sạt lở khu vực này rất lớn nên khả năng địa phương không thể xử trí triệt để được, phải chờ nguồn kinh phí từ trên phân bổ xuống. Thời gian tới, UBND thị xã Bình Minh tiếp tục báo cáo tình hình sạt lở, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ ưu tiên sớm triển khai Dự án chống biến đổi khí hậu đê bao sông Hậu đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, trong đó có thị xã Bình Minh để xây dựng bờ kè kiên cố, hạn chế sạt lở.
Lê Thúy Hằng