Cắm mốc phân định ranh giới, bảo tồn hệ sinh thái cảnh quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) Phan Hộ cho biết: Kết quả điều tra chi tiết vào đầu tháng 7/2022 cho thấy, trong các khu rừng thuộc Khu vực bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam có 37 loài thú sinh sống, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt trong các khu rừng này còn có một số loài thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: Cu li lớn, Tê tê Zava, Mèo rừng, Cầy hương, Trút và 238 loài thực vật, thuộc 18 chi, 82 họ là những đơn vị cấu thành nên hệ thực vật Việt Nam.

Cam moc phan dinh ranh gioi, bao ton he sinh thai canh quan Di san van hoa the gioi My Son hinh anh 1 Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và quý giá này, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn phối hợp cùng chính quyền các xã Duy Phú, Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và ngành Kiểm lâm tiến hành cắm mốc phân định ranh giới giữa khu vực bảo tồn và đất canh tác của người dân để ngăn chặn triệt để tình trạng xâm lấn và giữ gìn sinh cảnh của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích Khu bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn rộng hơn 1.160 ha, trong đó có hơn 1.100 ha rừng tự nhiên, thuộc 2 xã Duy Phú và Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong 5 năm (2021-2025), Khu bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn được đầu tư gần 100 tỷ đồng để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và quý giá, nhằm góp phần phát triển sản phẩm du lịch, bảo tồn và khai thác có hiệu quả, bền vững Di sản - ông Phan Hộ thông tin thêm.

Ngoài việc phân giới cắm mốc, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn còn phối hợp với các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo tồn và ngăn chặn tình trạng săn bắn, khai thác trái phép, góp phần bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là một di tích đặc biệt, không chỉ là quần thể công trình kiến trúc đền tháp mà còn gắn với vùng cảnh quan độc đáo xung quanh. Những thực thể núi, sông, suối nơi đây đều có giá trị về văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tạo nên trung tâm tôn giáo quan trọng bậc nhất của Vương quốc Champa. Đây là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử quý giá được tỉnh Quảng Nam bảo tồn và khai thác một cách hiệu quả.


Đoàn Hữu Trung

Tin liên quan

Quảng Nam: Đêm Mỹ Sơn huyền thoại tại thung lũng thần linh

Tiếp tục chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, tối 24/3, tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Thung lũng thần linh và nghệ thuật đã chính thức ra mắt chương trình nghệ thuật "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại". Đây là sản phẩm du lịch mới, giúp Mỹ Sơn làm mới mình để có thêm sức hấp dẫn đối với du khách.


Du lịch Quảng Nam tìm giải pháp mở cửa đón du khách

Sáng 21/10, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong điều kiện "bình thường mới".


Khu di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn xây dựng chương trình kích cầu du lịch

Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) Phan Hộ cho biết, cùng với Hội An, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ đã có, xây dựng nhiều sự kiện, sản phẩm độc đáo, mới mẻ để phục vụ du khách khi du lịch từng bước mở cửa, dịch COVID-19 được kiểm soát.


Phát hiện bộ Linga - Yoni liền khối thế kỷ IX lớn nhất Việt Nam tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Sáng 28/5, ông Phan Hộ - Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: Trong quá trình trùng tu tại nhóm tháp A các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga - Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước 2,24m x 1m68. Bước đầu các chuyên gia nhận định bộ Linga - Yoni liền khối này có từ thế kỷ IX và lớn nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này.



Đề xuất