Cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền

Cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền

Tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền là nội dung quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền hành chính công; trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền, đặc biệt là khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua.

Cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền ảnh 1Khu phía đông TP.HCM (Thành phố Thủ Đức tương lai). Ảnh: Lao động

Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt.

Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2021 theo Đề án chính quyền đô thị và công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Định hướng công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2015, đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức để giảm số biên chế cho phù hợp với số biên chế do Chính phủ giao, Thành phố cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn của UBND Thành phố; tổ chức triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt chuẩn 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số. 

Đáng chú ý, vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức).

Hiện nay, Thành phố khẩn trương triển khai các phần việc để xây dựng chính quyền đô thị. Trong đó, về mặt tổ chức bộ máy hành chính, Thành phố sẽ tinh giản 2 đơn vị hành chính cấp huyện (do gộp Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức), giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã từ 322 xuống còn 312 phường, xã, thị trấn (do sáp nhập một số phường trên địa bàn các Quận 2, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận).

Về việc triển khai đề án thành lập thành phố Thủ Đức, theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố Thủ Đức sẽ được cập nhật vào quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh (đang điều chỉnh) và kêu gọi đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền ở mức cao nhất cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành. Mục tiêu là xây dựng thành phố Thủ Đức phát triển hiện đại, theo xu hướng xanh, thân thiện môi trường.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt, chặt chẽ, xuyên suốt, nhanh chóng đề ra các giải pháp linh hoạt thay đổi phương thức làm việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp khi ứng phó với dịch COVID-19.

Năm 2020, Thành phố cũng đã ban hành 51 quyết định phê duyệt 936 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính; trong đó, có 73 quy trình liên thông giữa các sở ngành – Văn phòng UBND Thành phố - Lãnh đạo UBND Thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch UBND quận huyện thực hiện 85 đầu việc như điều động, chuyển công tác và tiếp nhận công chức, viên chức, phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện một số nội dung đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án Khu liên hợp nhà ở, văn phòng thương mại Tản Đà - Hàm Tử (Quận 5)…

Trong khi đó, đối với công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, kể từ khi thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ cho đến tháng 11/2020, Thành phố đã tinh giản biên chế đối với 1.105 trường hợp. Việc kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước./.

Trần Xuân Tình 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm