Các tỉnh, thành phố khẩn trương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông năm học 2022-2023

Ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Cac tinh, thanh pho khan truong tuyen dung 27.850 bien che giao vien cap mam non va pho thong nam hoc 2022-2023 hinh anh 1Cô và trò trường Mầm non A (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Theo đó, ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Để triển khai thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023. Số lượng biên chế bổ sung cụ thể của từng cấp học quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Các địa phương tập trung giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: Thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu… Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng cấp học, môn học đến năm 2026, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Bộ Giáo dục và Đoà tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, Quyết định số 71-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các địa phương chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường. Mặt khác, các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đồng bộ các giải pháp khác.

Việt Hà

Tin liên quan

Giải bài toán thiếu giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Lào Cai

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Tuy vậy, tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên tại Lào Cai, đặc biệt giáo viên các môn chuyên biệt trong thời gian qua không chỉ khiến cho sự nghiệp "gieo chữ, trồng người" ở vùng cao đã khó càng thêm khó, mà còn đe dọa đến sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới tại địa phương.


Năm điểm mới trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (gọi tắt là Thông tư 01-04).


Bồi dưỡng giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi cả chất và lượng

Việc thay đổi cách tiếp cận và mô hình bồi dưỡng giáo viên mới đã góp phần nâng cao năng lực nhà giáo, đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua 6 mô đun bồi dưỡng, các thầy cô giáo không những nắm bắt được nội dung chương trình mới mà còn hiểu được quy trình triển khai trong thực tế, từ đó nâng cao được năng lực để phát triển nghề nghiệp. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng nâng cao năng lực sâu rộng, chất lượng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vừa triển khai dạy học trực tiếp và trực tuyến.



Đề xuất