Bồi dưỡng giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi cả chất và lượng

Bồi dưỡng giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi cả chất và lượng

Việc thay đổi cách tiếp cận và mô hình bồi dưỡng giáo viên mới đã góp phần nâng cao năng lực nhà giáo, đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua 6 mô đun bồi dưỡng, các thầy cô giáo không những nắm bắt được nội dung chương trình mới mà còn hiểu được quy trình triển khai trong thực tế, từ đó nâng cao được năng lực để phát triển nghề nghiệp. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng nâng cao năng lực sâu rộng, chất lượng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vừa triển khai dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế tại Hội thảo “Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Hội thảo do Ban Quản lý Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế tổ chức, ngày 18/12.

Tính đến ngày 1/12, có 58 Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai bồi dưỡng 4 mô đun theo hình thức tự học qua hệ thống LMS (hệ thống bồi dưỡng trực tuyến) kết hợp sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường với sự hỗ trợ chuyên môn của các giảng viên chủ chốt từ các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Chương trình ETEP. Bình Định là địa phương trong nhóm đứng đầu về hoàn thành gần 100% đối với 4 mô đun được coi là những nội dung cốt lõi để các giáo viên vững tin thực hiện Chương trình mới.

Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định cho biết: Đội ngũ nhà giáo là những người trực tiếp làm nên sản phẩm giáo dục, là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục nên Bình Định luôn quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo trong tỉnh được tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tỉnh đã sắp xếp, kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, đội ngũ nhà giáo đã nhanh chóng tiếp cận được các nội dung, chương trình đổi mới, phát triển giáo dục và phát huy được sở trường trong công tác, sự sáng tạo, vận dụng hiệu quả trong hoạt động giảng dạy.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời gian đầu khi thực hiện bồi dưỡng, ngành Giáo dục và Đào tạo Bình Định cũng gặp một số khó khăn như: kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán, giáo viên tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS còn gặp khó khăn do đường truyền internet ở một số huyện miền núi chưa được tốt; một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế về công nghệ thông tin; việc vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn tại đơn vị của một số giáo viên còn chưa đạt hiệu quả cao.

Là giáo viên cốt cán, cô Ngô Thị Thanh Phương, Tổ trưởng chuyên môn Trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ: Sau tập huấn có thể nhận thấy, đội ngũ giáo viên có sự đổi mới đồng bộ, vận dụng được các nội dung bồi dưỡng trong thực tế giảng dạy. Đặc biệt, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định đã chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp kịp thời, ví dụ giáo viên dạy môn Hóa đồng thời được bồi dưỡng thêm môn Vật lí, Sinh học nên khi triển khai dạy học tích hợp không gặp nhiều lúng túng như một số nơi khác.

Cô Ngô Thị Thanh Phương cũng chỉ ra một số khó khăn khi giảng dạy chương trình lớp 6 mới hiện nay như: điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được việc dạy học theo phương thức mới; thiếu hệ thống bài tập ứng dụng để đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất… Cùng với đó, qua một học kỳ triển khai, giáo viên nhận thấy, học sinh còn lúng túng khi thực hiện các hoạt động học tập theo phương pháp dạy học mới do ở Tiểu học các em chưa được tiếp cận với hình thức này. Điều đó có thể sẽ lặp lại với học sinh lớp 10 trong năm học tới, khi lần đầu tiên áp dụng chương trình mới với khối Trung học Phổ thông.

Từ thực tế trên, cô Ngô Thị Thanh Phương mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng hệ thống bài tập, học liệu để giáo viên tham khảo, sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực. Bộ cũng cần điều chỉnh nội dung chương trình hiện hành của các lớp 4, 5 (bậc Tiểu học) và lớp 8, 9 (bậc Trung học Cơ sở) cho dần phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 để sau này, các em tiếp cận chương trình mới được thuận lợi.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm