Thu hoạch sầu riêng ở huyện Krông Pắk. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Theo đó, các đơn vị chức năng đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc chuyển hàng ngàn ha đất vườn tạp, đất gò đồi, đất bạc màu, những vùng đất không chủ động được nguồn nước sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm được thị trường ưa chuộng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, nhiều gia đình còn trồng thuần các loại cây ăn quả trái vụ như bơ sáp, vải, sầu riêng cho thu nhập khá cao từ 200 đến cả tỷ đồng/ha. Không những thế, đồng bào các dân tộc ở các huyện Buôn Đôn, Ea Kar, Ea Súp (Đắk Lắk) đã chuyển hàng trăm ha đất bạc màu, gò đồi, những vùng không chủ động được nguồn nước hoặc cà phê kém hiệu quả kinh tế sang trồng thuần các loại cây ăn quả như quýt, cam, bơ sáp, mít nghệ, vải thiều để phục vụ nhu cầu thị trường. Gia đình anh Đỗ Quang Danh, ở thôn Đồng Tâm 1, xã vùng sâu Ea Tih, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã chuyển 3,5 ha đất nương rẫy bạc màu trước đây trồng sắn (mỳ), đậu đỗ các loại kém hiệu quả kinh tế sang trồng vải, nhãn mỗi năm thu lãi từ 400 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã tổ chức trồng xen các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ trong vườn cà phê để không những che bóng, chắn gió, cải tạo môi trường sinh thái cho từng tiểu vùng mà còn tăng thêm thu nhập gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê. Đắk Lắk là địa phương đi đầu trong phong trào đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê, chủ yếu là trồng xen canh trên 4.000 ha cây sầu riêng, bơ sáp trong vườn cà phê, mỗi năm thu hoạch thêm hàng chục ngàn tấn quả sầu riêng, bơ sáp các loại. Điển hình là gia đình anh Y Blet Niê ở buôn Yung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã trồng xen 120 cây sầu riêng, với giống cơm vàng hạt lép đã cho thu lãi mỗi năm từ 600 đến 1 tỷ đồng (thu lãi từ năm 2015 trở lại đây) chưa tính thu nhập từ cây cà phê. Còn gia đình chị H’Vin Niê ở buôn Yung 2 cũng xã Ea Yông, huyện Krông Pắk trồng xen 60 cây sầu riêng trong 5 sào cà phê kinh doanh mỗi năm cho thu lãi từ 300 triệu đồng trở lên. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 35.000 ha cây ăn quả lâu năm các loại được thị trường ưa chuộng và Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích các loại cây ăn quả nhiều nhất với trên 12.000 ha. Đáng lưu ý, các loại cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn chủ yếu là sầu riêng với gần 3.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 44.000 tấn quả, bơ có gần 3.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 35.000 tấn trở lên…
Quang Huy