Các huyện miền núi Thanh Hoá nỗ lực giữ rừng mùa nắng nóng

Lực lượng kiểm lâm trực canh gác lửa rừng, phát hiện sớm đám cháy để xử lý kịp thời. Ảnh: TTXVN phát
Lực lượng kiểm lâm trực canh gác lửa rừng, phát hiện sớm đám cháy để xử lý kịp thời. Ảnh: TTXVN phát

Nắng nóng trong những ngày gần đây đang đặt nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng cảnh báo cháy ở cấp 3, cấp 4. Hiện, các địa phương đã duy trì lực lượng thường trực bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong ngày, bố trí các chòi canh, chốt gác tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ cháy rừng cao để kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Qua đó, phát hiện sớm các điểm cháy, kịp thời tổ chức ứng cứu giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng.

Các huyện miền núi Thanh Hoá nỗ lực giữ rừng mùa nắng nóng ảnh 1Lực lượng kiểm lâm trực canh gác lửa rừng, phát hiện sớm đám cháy để xử lý kịp thời. Ảnh: TTXVN phát

Huyện Quan Sơn, Thanh Hóa hiện có trên 82.000 ha rừng tự nhiên, xác định nguy cơ cháy dễ xảy ra nhất ở những diện tích rừng luồng, tre, lau lách... Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn đã tăng cường tuần tra, canh gác, trang bị thêm thiết bị quan sát từ xa để phát hiện, xử lý sớm các sự cố. Để không bị động, bất ngờ khi có sự cố cháy, lực lượng kiểm lâm phối hợp với UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, chủ rừng và đơn vị liên quan chuẩn bị phương án phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ, giám sát những khu vực nguy cơ cao, củng cố, kiện toàn hàng chục tổ, đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng, quyết tâm không để xảy ra cháy trong suốt mùa nắng nóng năm nay.

Các huyện miền núi Thanh Hoá nỗ lực giữ rừng mùa nắng nóng ảnh 2Lực lượng kiểm lâm kiểm tra các khu vực trọng điểm 24/24 giờ. Ảnh: TTXVN phát

Ông Phạm Ngọc Tú, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn, cho biết, hết mùa sản xuất trồng trọt, một bộ phận người dân thường vào rừng săn bắn và khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu của gia đình và tạo nguồn thu nhập. Phong tục phát nương làm rẫy của đồng bào, nhất là đồng bào Mông; tình trạng đốt ong lấy mật khá phổ biến... là những nguyên nhân chính gây cháy rừng, mất an ninh rừng trên địa bàn Quan Sơn.

Theo đó, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn 600 ha đất quy hoạch canh tác nương rẫy cũ tại 3 bản người Mông thuộc các xã Na Mèo và Sơn Thủy; thực hiện tốt trực canh gác lửa rừng, phát hiện sớm đám cháy để xử lý kịp thời... Đến nay an ninh rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn cơ bản ổn định, kiểm soát được tình hình cháy rừng, phá rừng trái pháp luật

Theo ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cùng với sự vào cuộc của lực lượng kiểm lâm, để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực 24/24h hàng ngày; không chủ quan, lơ là, triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp theo đúng kế hoạch, phương án được phê duyệt. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được chính quyền đẩy mạnh tới người dân, nhất là vấn đề không được mang lửa và các vật dụng dễ cháy vào rừng, không đốt ở gần rừng khi thu dọn trong quá trình sản xuất, đặc biệt là những hộ sinh sống, sản xuất ở ven rừng.

Rừng tự nhiên thuộc bản thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa được xác định khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao do có vật liệu dễ cháy như cây le, lau lách, thực bì rất dày, khô nỏ… Những ngày qua, cán bộ kiểm lâm huyện Quan Hóa đã bố trí kiểm lâm viên địa bàn xuống các thôn, bản vận động nhân dân không chặt hạ, tỉa thưa cây rừng trong cao điểm mùa khô, xây dựng phương án để có thể huy động được 1.200 người sẵn sàng tham gia phòng cháy, chữa cháy tại các vùng trọng điểm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người dân nâng cao ý thức trong phòng cháy, chữa cháy rừng... Lực lượng kiểm lâm chủ động bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chữa cháy, phối hợp với chính quyền các địa phương, dân quân tự vệ ở các xã, thị trấn trực 24/24 tại các chốt, cửa rừng, sẵn sàng tiếp nhận thông tin về tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các huyện miền núi Thanh Hoá nỗ lực giữ rừng mùa nắng nóng ảnh 3Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: TTXVN phát

Là người dân sống gần khu vực rừng tự nhiên có nguy cơ cháy cao, chị Nguyễn Thị Vững, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong phòng cháy chữa cháy rừng và tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong khu vực nâng cao ý thức cảnh giác để nỗ lực giữ rừng.

“Những ngày nắng nóng này, được UBND huyện, Hạt kiểm lâm tuyên truyền hàng này, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ rừng. Qua đó, không còn tình trạng người dân mang lửa vào bìa rừng, xử lý thực bì có kiểm soát... nỗ lực để bảo vệ "lá phổi xanh", hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra....”, chị Vững chia sẻ.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Hạt trưởng-Hạt kiểm lâm huyện Quan Hóa cho biết, thời tiết trong những ngày này rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy, lực lượng kiểm lâm luôn có thành viên ứng trực ở các khu vực trọng điểm 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy. Đơn vị cũng cũng phân công cụ thể từng đầu việc để lực lượng thường xuyên bám nắm địa bàn và thông tin, phối hợp chặt chẽ với nhau triển khai tốt công tác bảo vệ rừng; trong đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khi phát hiện cháy rừng hoặc các điểm cháy có nguy cơ cháy lan vào rừng phải kịp thời huy động lực lượng tại chỗ để chữa cháy.

Các huyện miền núi Thanh Hoá nỗ lực giữ rừng mùa nắng nóng ảnh 4Lực lượng kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, dân quân tự vệ ở các xã, thị trấn phát quang phòng cháy rừng. Ảnh: TTXVN phát

Số liệu thống kê cho thấy, tỉnh Thanh Hoá có trên 641.000 ha rừng trên địa bàn 25/27 huyện, thị xã, thành phố, riêng diện tích rừng nguy cơ cháy cao có trên 42.336 ha trên địa bàn 146 xã, phường, thị trấn. Thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, 6 tháng đầu năm 2023 các địa phương đã thực hiện hiệu quả việc giảm vật liệu cháy dưới tán rừng. Lực lượng kiểm lâm các địa phương đã phát dọn và đốt trước có kiểm soát dưới tán rừng thông, rừng trồng có nguy cơ cháy cao được gần 780 ha; làm mới và tu sửa đường băng cản lửa được gần 70 km...

Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả“ các huyện miền núi xứ Thanh đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ từ tỉnh, đến huyện, xã và các thôn, bản....Đến thời điểm hiện tại, an ninh rừng tại các huyện miền núi Thanh Hoá cơ bản được kiểm soát, chưa xảy ra cháy rừng...

Khiếu Tư - Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm