Luồng được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân miền núi xứ Thanh, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, những năm trước đây, tình trạng người dân trong huyện khai thác măng và luồng tùy tiện, không chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên rừng luồng trên đia bàn bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất và chất lượng giảm sút... Để nâng cao hơn hơn nữa hiệu quả kinh tế từ trồng luồng, các địa phương miền núi Thanh Hoá đã rà soát, thực hiện phục tráng, nhằm phát triển rừng luồng theo hướng bền vững.
Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Bá Thước đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xuống thôn, bản phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc rừng luồng cho các hộ tham gia. Các hộ đã được hỗ trợ kinh phí mua phân bón cho năm thứ nhất và năm thứ 2 thực hiện thâm canh phục tráng rừng luồng (2 triệu đồng/ha/năm) và hỗ trợ 230 triệu đồng/1 km đường lâm nghiệp nâng cấp hoặc làm mới. Đến nay, có khoảng 3.600 ha diện tích luồng thực hiện thâm canh phục tráng; làm mới được 14 km đường ô tô lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thâm canh phục tráng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển các sản phẩm lâm sản đi tiêu thụ, giảm chi phí nhân công.
Là một trong những hộ tham gia phục tráng rừng luồng từ những ngày đầu triển khai, gia đình ông Nguyễn Văn Lương, xã Điền Trung, huyện Bá Thước đã được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xuống tận nơi tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng. Đến nay, rừng luồng của gia đình phát triển xanh tốt, năng suất chất lượng luồng được nâng lên rõ rệt.
Ông Lương cho biết, luồng sau khi được phục tráng, chăm sóc có hệ số sinh măng tăng gấp 1,5 lần so với trước đó; măng to và gióng dài hơn. Thu nhập bình quân hàng năm từ cây luồng mang lại khoảng 170 - 180 triệu đồng, giúp gia đình xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai kế hoạch thâm canh, phục tráng 390 ha rừng luồng thâm canh năm thứ nhất và 1.200 ha rừng luồng thâm canh năm thứ 2. Hiệu quả của chính sách phát triển vùng luồng thâm canh đã từng bước nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững rừng luồng. Thay đổi từ tập quán canh tác quảng canh, không bón phân chăm sóc cho rừng luồng sang canh tác thâm canh, bón phân và chăm sóc rừng luồng. Phục tráng rừng luồng kém chất lượng đã giúp năng suất, chất lượng rừng luồng nâng lên rõ rệt. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện thâm canh rừng luồng, dự kiến hết 2025 huyện sẽ phục tráng, thâm canh trên 2.000 ha.
Là 1 trong 7 huyện nằm trong quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh, từ năm 2016 đến hết năm 2020, UBND huyện Quan Hóa đã thực hiện thâm canh phục tráng được 4.100 ha rừng luồng. Toàn huyện đã làm mới 15km đường ô tô lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho chăm sóc, khai thác, vận chuyển các sản phẩm lâm sản đi tiêu thụ, giảm chi phí nhân công bốc vác thủ công. Tính đến năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các xã trên địa bàn tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phục tráng được khoảng 6.000 ha luồng
Gia đình ông Phạm Bá Tam, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa có khoảng 2ha luồng tham gia mô hình phục tráng và canh tác theo tiêu chuẩn FSC. Khi tham gia chương trình, ông được dự án hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật. Đến nay, rừng luồng của ông đã có sự "lột xác" so với trước đây.
"Rừng luồng bây giờ được dọn dẹp sạch sẽ, được bón phân giúp tỷ lệ măng ra nhiều, tốc độ sinh trưởng phát triển của măng nhanh hơn. Những cây già được tổ chức khai thác có kế hoạch, đảm bảo cây phải đạt ít nhất 3 năm mới khai thác", ông Tam cho hay
Theo bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, huyện Quan Hóa được mệnh danh là thủ phủ luồng của xứ Thanh với hơn 27.000 ha. Cây luồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của huyện. Trước đây, tình trạng người dân trong huyện khai thác măng và luồng tùy tiện, không chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên rừng luồng trên địa bàn bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất và chất lượng giảm sút. Tham gia dự án phục tráng rừng luồng đã góp phần thay đổi tư duy và cách làm của bà con nhân dân. Theo đó, khai thác xong là tiến hành dọn dẹp thực bì, các cây luồng bị sâu; bón phân cho luồng; đánh dấu số năm trên cây luồng; trồng xen các cây gỗ, dược liệu để gia tăng thu nhập".
Cũng theo bà Nga, từ khi các hộ thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật dự án, cây luồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn, thân to, dài, thẳng, quá trình mắc bị bệnh khuy chậm lại, số lượng măng nhiều hơn. Nhờ đó, các công ty, nhà máy chế biến luồng ưa thích và thu mua với giá cao hơn luồng canh tác theo phương pháp truyền thống từ 10 - 15%.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 78.000 ha rừng tre luồng, bình quân mỗi năm cung cấp 60 triệu cây (tương đương 1,6 triệu tấn nguyên liệu) và 80.000 tấn nguyên liệu khác (mùn cưa...), phục vụ chế biến và xuất khẩu. Giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 553 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp. Vùng trồng luồng thâm canh tập trung chủ yếu tại các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, giải quyết việc làm cho 102.000 lao động, chiếm 40,8% lao động trong ngành lâm nghiệp. Việc phục tráng và phát triển cây luồng theo hướng bền vững thực sự cần thiết và cần nhân rộng để cây luồng phát huy tối đa gia trị, trở thành cây trồng chủ lực giúp đồng bào vùng cao xứ Thanh vươn lên xoá đói, giảm nghèo…
Khiếu Tư - Nguyễn Nam