Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được đến trường. Từ đó, góp phần giúp các nhà trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Trường Tiểu học Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) hiện có 329 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái; trong đó có 128 học sinh được hỗ trợ gạo và tiền theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định, mỗi học sinh được hỗ trợ 9 tháng/năm học với mức 15kg gạo và 745 nghìn đồng. Với đặc thù là xã vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện đi lại phải qua sông, qua suối… việc hỗ trợ tiền và gạo đã giúp hàng trăm học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường.
Nhà ở cách xa điểm trường gần 10km, phải qua nhiều sông, suối, địa hình hiểm trở, những năm qua, em Cầm Thuý Hạnh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Luận Khê vẫn đều đặn đến trường do được Nhà nước hỗ trợ gạo và tiền để em yên tâm ở lại học bán trú.
“Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, đời sống của chúng em được cải thiện. Chúng em yên tâm học tập hơn, không lo phải bỏ học giữa chừng….”, em Hạnh chia sẻ.
Thầy giáo Vi Nguyên Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Luận Khê 2, huyện Thường Xuân cho biết, cùng với tiếp sức cho các em đến trường, chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ còn giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có con em đi học đủ lương thực để vượt qua cái đói ngày giáp hạt. Chính sách hỗ trợ đã giúp các trường khó khăn trên địa bàn tỉnh giải được bài toán khó về duy trì sĩ số. Mỗi chuyến hàng chở gạo dự trữ quốc gia về hỗ trợ cho các em học sinh đã và đang nối dài thêm những ước mơ được cắp sách đến trường của học sinh nghèo ở các xã miền núi, vùng cao.
“Khó khăn lớn nhất của nhà trường hiện nay là chưa được đầu tư cơ sở để phục vụ cho hoạt động bán trú. Đa phần các em nhà xa, không thể đi về trong ngày, phải ở trọ các nhà dân quanh trường. Điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của học sinh. Công tác quản lý của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Nhà trường mong muốn thời gian tới được đầu tư xây dựng khu bán trú để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học…”, thầy giáo Vi Nguyên Hồng chia sẻ.
Trong nhiều năm qua, huyện Thường Xuân có hàng nghìn học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ. Năm học 2022-2023, địa phương có 1.181 học sinh đã được nhận trợ cấp đầy đủ, đúng kế hoạch.
Theo bà Tống Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân, việc Nhà nước hỗ trợ gạo hàng tháng đã giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng tài chính. Về phía các nhà trường, chính sách hỗ trợ nhân văn này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, nhiều xã khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thanh Hóa đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Vì thế, chính sách hỗ trợ cho học sinh khu vực này không còn.
“Học sinh bán trú là đối tượng học sinh không thể đi và trở về nhà trong ngày. Hiện nay, các em không được hưởng chế độ bán trú, bắt buộc học sinh sau giờ tan học phải về nhà ăn cơm trưa. Nhiều học sinh phải vượt quãng đường 4 - 5km đèo dốc, sông suối… để về nhà; có em phải bỏ buổi học chiều do không kịp tới lớp. Do đó, tỷ lệ học sinh đi học muộn, nguy cơ một số học sinh bỏ học, ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số lớp học. Nhà trường mong muốn chính sách hỗ trợ được duy trì để tạo điều cho học sinh vùng khó yên tâm đi tìm con chữ…”, bà Hoa trăn trở
Trường Tiểu học Thanh Lâm (huyện Như Xuân) hiện có 298 học sinh, dân tộc Thái chiến 90%. Toàn trường có 70 học sinh được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Để gạo đến đúng đối tượng, đảm bảo kịp thời, nhà trường đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn, xác định rõ từng đối tượng, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khoảng cách đi lại để đề xuất trợ cấp cho các em.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lâm Trương Thị Liền, trên thực tế, "rào cản" lớn nhất khiến học sinh không thể đến trường là do kinh tế gia đình quá khó khăn. Nếu không có chính sách hỗ trợ gạo của Nhà nước, con đường đến trường của các em còn tiếp tục gian nan. Nhà trường khó có thể kịp thời giải quyết tình trạng bỏ học.
Việc Chính phủ hỗ trợ cho học sinh bằng nguồn gạo dự trữ Quốc gia đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các em, gia đình và nhà trường; góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục. Việc hỗ trợ này đã phần nào giảm bớt khó khăn cho một số địa phương trong bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại một số vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Khiếu Tư- Nguyễn Nam