Cá nhân, dòng họ không có quyền đóng cửa Khu di tích kiến trúc - nghệ thuật Nhà Vương

Cá nhân, dòng họ không có quyền đóng cửa Khu di tích kiến trúc - nghệ thuật Nhà Vương
Dinh thự nhà Vương hiện nay. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN
 Dinh thự nhà Vương hiện nay. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN
Về vấn đề này, trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Lâm Tiến Mạnh cho biết, chủ sở hữu di tích là cá nhân hay cộng đồng đều phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa quy định rất rõ việc Nhà nước thống nhất quản lý về di sản văn hóa. “ Di tích nhà Vương là Di tích cấp Quốc gia, do vậy, việc đóng cửa hay không đóng cửa, cá nhân hay dòng họ không thể quyết định được” – ông Mạnh khẳng định. Trước đó, ông Vương Duy Bảo cho rằng, việc ông tuyên bố đóng cửa Dinh thự nhà Vương là do nhiều hạng mục của di tích đang bị xuống cấp mà chưa được trùng tu. Nhiều chi tiết được trùng tu không đúng nguyên bản cũng như công trình nhà vệ sinh xây gần phần mộ của dòng họ gây phản cảm, ảnh hướng đến tâm linh.“ Nhận được sổ đỏ, chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn phát huy di sản này" - Ông Vương Duy Bảo nêu quan điểm. Trước vấn đề ông Bảo nêu¸ ông Lâm Tiến Mạnh cho biết, công trình Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư, tôn tạo từ năm 2003, sau đó được phân cấp và bàn giao cho huyện Đồng Văn quản lý. Trong quá trình quản lý và khai thác di tích, huyện Đồng Văn đã tổ chức các hoạt động, trong đó có việc trùng tu, sửa chữa nhỏ theo quy định của Luật di sản. Ngày 28/5, UBND huyện Đồng Văn đã giao sổ đỏ cho người nhà của dòng họ Vương. “Hiện nay có thêm khu nhà vệ sinh, công trình này được xây dựng từ ngay sau di tích được tu bổ vào năm 2007, mới đầu chỉ là để phục vụ tổ bảo vệ ở đây. Chúng tôi cũng thấy rằng, việc để công trình vệ sinh ở đó là không phù hợp. Sau khi có ý kiến của gia đình dòng họ Vương, chúng tôi đã báo cáo và tham mưu cho tỉnh, tỉnh đã chỉ đạo huyện Đồng Văn sớm triển khai ở vị trí thuận lợi hơn cho du khách, đặc biệt không làm ảnh hướng đến vấn đề tâm linh tại các khu vực mồ mả của gia đình, dòng họ Vương. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với huyện để thực hiện tốt những việc trên” – ông Mạnh nêu rõ.
Bên trong Dinh thự nhà Vương. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN
Bên trong Dinh thự nhà Vương. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN
Di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương đã trải qua nhiều năm sử dụng chưa được tu sửa, bị dột nát, hư hỏng nhiều dẫn đến nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Sau khi được công nhận di tích quốc gia, Nhà nước đã quan tâm bảo vệ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích. Năm 1993, Nhà nước bắt đầu có chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích, UBND tỉnh Hà Giang xây dựng dự án bảo tồn di tích. Tháng 3/2003, dự án được phê duyệt với số kinh phí trên 6 tỉ đồng và công trình đã khánh thành ngày 28/5/2005. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo để điều hành thực hiện dự án và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc vận động các hộ gia đình di dời ra ngoài khu di tích tạo thuận lợi cho việc trùng tu tôn tạo. Sau khi di tích được trùng tu, tôn tạo, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3316/QĐ-UBND ngày 11/12/2006 giao Sở Văn hóa Thông tin quản lý. Đến tháng 12/2006, di tích được bàn giao cho huyện Đồng Văn quản lý. Từ khi được bàn giao cho huyện Đồng Văn quản lý, về cơ bản, di tích được bảo vệ tốt để phục vụ du khách. Huyện Đồng Văn đã chủ động di dời khu chợ, cửa hàng lương thực để xây dựng bãi đỗ xe phục vụ di tích; xây dựng ki ốt để trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương; thành lập tổ quản lý, khai thác di tích, trong đó ưu tiên con cháu nhà họ Vương vào làm việc. Mỗi năm, Khu di tích nhà Vương đón trên 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm