Từ đầu tháng 10 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hàng chục ngàn người Cà Mau sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành khác trở về địa phương. Trong số này nhiều lao động không có việc làm nhiều tháng qua. Do đó, bài toán việc làm cho nhóm đối tượng này đặt ra cấp bách. Đây còn là việc tạo động lực phát triển khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Tâm sự người hồi hương
Trở về quê được gần 2 tháng nhưng anh Trần Văn Trung, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Để nuôi sáu miệng ăn trong nhà, anh Trung làm đủ thứ việc nhưng đời sống vẫn rất khó khăn.
Dịch bệnh bùng phát, mất việc làm, đời sống khó khăn nên hai vợ chồng anh trở về quê sống cùng 3 con nhỏ đang ở với bà nội. Hằng ngày, anh phải đi bắt hàu bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Thu nhập từ công việc này khá bấp bênh nên không đủ để lo cho gia đình. Nếu tình trạng này kéo dài, vợ chồng anh phải trở lại Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc, anh Trần Văn Trung chia sẻ.
Sống nơi đất khách quê người thời gian dài không có việc làm, vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Khương, ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước cũng trở về quê hơn một tháng qua.
“Trong thời gian cách ly theo quy định, gia đình đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của địa phương. Tuy nhiên, để tìm một công việc ổn định lâu dài rất khó khăn. Để nuôi 4 miệng ăn trong nhà, hàng ngày tôi đều đi lấy bánh mì bán nhưng tiền lãi không đủ đảm bảo đời sống. Tôi mong muốn tìm được công việc có thu nhập ổn định hơn để lo cho 2 con nhỏ”, anh Khương tâm sự.
Từ đầu tháng 10 tới nay, riêng xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước đã tiếp nhận hơn 400 người trở về địa phương tránh dịch. Hầu hết người dân đã hoàn thành cách ly y tế và trở lại cuộc sống bình thường. Chính quyền đang gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người dân trở về địa phương.
Ông Hà Phương Đông, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ thông tin, trước làn sóng người dân trở về địa phương, xã đã nỗ lực thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Xã đang rà soát lại nhu cầu, nguyện vọng của người dân, từ đó thông qua các chương trình giới thiệu, tư vấn việc làm để giới thiệu cho những đối tượng này.
Gần một tháng qua, Cà Mau cũng như nhiều tỉnh miền Tây đang trở thành “điểm nóng” của dịch COVID-19. Công tác đào tạo nghề thời điểm này vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Để nhanh chóng giải quyết việc làm cho gần 800 công nhân đi lao động từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở về, thời gian qua, chính quyền xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan chức năng nhằm tìm, giới thiệu việc làm cho những đối tượng này.
Ông Lê Kha Nưa, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông cho biết, xã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, giới thiệu người dân tìm đến các sàn giao dịch lao động để tìm việc làm. Tuy nhiên, khó khăn rất lớn là ngành nghề của lao động trở về không phù hợp với nhu cầu ở địa phương. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, toàn huyện Cái Nước có hơn 4.000 người đi lao động ở các tỉnh, thành khác trở về quê. Đa số người dân đều có hoàn cảnh khó khăn đang cần việc làm để phụ giúp gia đình. Còn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, con số này lên tới hàng chục ngàn người. Trước thực trạng này, một số lao động đang tính đến việc quay trở lại các tỉnh, thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… tìm việc làm.
Cấp bách tìm lời giải
Từ cuối tháng 4/2021 - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Cà Mau đã tác động rất lớn đến việc làm, đời sống của người lao động.
Để hỗ trợ người lao động tìm việc làm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương nắm tình hình, rà soát nhu cầu của người lao động. Sở phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, nhà mạng gửi hơn 50.000 tin nhắn đến người lao động thông tin tuyển dụng, kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.
Tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, có trên 10.500 lao động đã tìm được việc làm, trong đó, có hơn 9.000 lao động làm việc trong tỉnh. Tuy nhiên qua rà soát, hiện còn trên 45.600 lao động có nhu cầu được hỗ trợ giải quyết việc làm.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, song song việc hỗ trợ giải quyết việc làm, tỉnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, toàn tỉnh có 11/12 nhóm đối tượng, với trên 249.000 người được duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 294 tỷ đồng. Trong đó, các huyện, thành phố đã chi hỗ trợ cho trên 228.000 người, số tiền hơn 263 tỷ đồng, đạt gần 92% trên tổng số người được duyệt. Tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 66.890 lao động, với số tiền trên 115 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ theo điều chỉnh mới, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh trước đây còn vướng thủ tục, điều kiện nay có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là giải quyết việc làm cho lao động trở về địa phương. Do đó, Sở đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ người lao động học nghề theo nhu cầu, đi xuất khẩu lao động; hỗ trợ cho vay vốn thông qua Quỹ quốc gia việc làm hoặc vốn ủy thác của địa phương; kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết việc làm theo nhu cầu, nguyện vọng của người lao động… Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, không để sót, lọt đối tượng cần được hỗ trợ; sớm hoàn chỉnh kế hoạch hỗ trợ việc làm cho người lao động, đặc biệt lao động từ ngoài tỉnh trở về.
“Sở đặt mục tiêu tạo việc làm cho người lao động đang thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc đã hoàn thành thời gian cách ly, thiết lập đường link nắm bắt nhu cầu thông tin của người lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Cùng với đó là triển khai đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi thị trường lao động; rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại đô thị lớn, khu công nghiệp, doanh nghiệp… Sở phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ giúp người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Quốc Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh thông tin thêm, qua rà soát nhu cầu tuyển dụng, hiện trong tỉnh có 23 doanh nghiệp đăng ký tuyển hơn 4.800 lao động, ngoài tỉnh có 336 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới trên 34.500 lao động.
Huỳnh Anh