Bước đột phá trong phát triển du lịch ở huyện vùng cao Lâm Bình - Tuyên Quang

Bước đột phá trong phát triển du lịch ở huyện vùng cao Lâm Bình - Tuyên Quang
Cọc vài - điểm thăm quan thu hút khách du lịch mỗi khi đến huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Cọc vài - điểm thăm quan thu hút khách du lịch mỗi khi đến huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Lâm Bình là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Tuyên Quang. Huyện có trên 33.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Mặc dù, còn nhiều khó khăn nhưng Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú: Độ che phủ rừng đạt trên 80%; có những dãy núi đá vôi trùng điệp bao quanh các thung lũng rộng lớn, kỳ vĩ. Đặc biệt, cùng với huyện Na Hang (Tuyên Quang), Lâm Bình có hồ thủy điện Tuyên Quang rộng trên 8.000 ha (hồ nằm trên địa bàn 2 huyện Na Hang – Lâm Bình). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm; phong cảnh núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Thổ Bình...; những thác nước kỳ vĩ (Thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng)... Đây là những tiềm năng để Lâm Bình phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng (Homestay)...

Do đó, để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch tại địa phương, thời gian qua, huyện đã tiến hành quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích người dân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch. Từ đầu năm 2016, huyện đã bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại 4 điểm, với 15 hộ dân tham gia; thành lập Tổ công tác của huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng hộ, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ thực hiện việc xây dựng mô hình; tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên... Đồng thời, huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về du lịch cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho du khách; tuyên truyền, vận động các hộ dân gìn giữ không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc, giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc nhà truyền thống, thực hiện chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh… để phục vụ khách du lịch.
 
Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) làm món ăn phục vụ du khách. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
 Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) làm món ăn phục vụ du khách. Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Với việc huy động các nguồn lực, cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Lâm Bình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Từ đầu năm đến nay, Lâm Bình đã đón trên 100.000 lượt khách đến tham quan, tăng hơn 65.000 lượt khách so với năm 2018. Nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch nên đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, góp phần giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện, huyện còn trên 40% hộ nghèo, giảm trên 5,5% so với năm 2017.

Là hộ dân làm du lịch cộng đồng ở thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, bà Nguyễn Thị Đựng, dân tộc Tày chia sẻ, năm 2017, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình bà sửa lại ngôi nhà sàn để làm du lịch. Hiện nay, gia đình bà có 10 phòng ngủ để phục vụ du khách. Ngoài ra, gia đình bà còn nấu các món ăn truyền thống của dân tộc để phục vụ du khách có nhu cầu. Từ khi làm du lịch cộng đồng thu nhập của gia đình bà được nâng lên. Gia đình đã mua sắm thêm nhiều trang thiết bị: ti vi, tủ lạnh, xe máy... để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Dù đã có những bước phát triển tuy nhiên ngành du lịch ở Lâm Bình còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hạ tầng tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, khảo cổ chưa được đầu tư xây dựng; giao thông kết nối các tua, tuyến chưa đồng bộ; kỹ năng làm du lịch của người dân còn ở mức độ thấp nên khó khăn cho việc tiếp cận, giao lưu, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài...

Lần đầu tiên đến du lịch tại Lâm Bình, ông Inagaky Tsutomu, du khách đến từ Nhật Bản cho biết: “Tôi cảm thấy phong cảnh ở Lâm Bình rất đẹp, con người rất thân thiện. Người dân ở đây có trang phục rất đặc sắc và có nhiều phong tục rất độc đáo. Tuy nhiên, tôi cảm thấy cơ sở hạ tầng ở đây còn thiếu đồng bộ, các dịch vụ để phục vụ cho phát triển du lịch còn hạn chế; người dân địa phương không nói được ngoại ngữ nên khi muốn tìm hiểu nhiều hơn về phong tục, tập quán... rất khó khăn”.

Theo Phó Giáo sư. Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (người tâm huyết với mảnh đất, con người Tuyên Quang và đã tiến hành nghiên cứu một chuyên đề: Những vấn đề cơ bản cho du lịch Lâm Bình phát triển), để khai thác được tiềm năng, thế mạnh về du lịch huyện Lâm Bình cần khảo sát, đánh giá, nghiên cứu một cách tổng thể về quy hoạch phát triển du lịch của huyện, tránh tình trạng quy hoạch sai, không phù hợp với địa phương; tiến hành liên kết với các địa phương trong vùng để phát triển các tour, tuyến du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Đồng thời, địa phương cần phát huy nội, ngoại lực, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào phát triển du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, muốn phát triển du lịch bền vững, Lâm Bình cần bảo vệ được môi trường, bảo vệ được rừng và nói không với rác thải nhựa...
 
Du khách khám phá hồ thủy điện Tuyên Quang - “Hạ long cạn” giữa đại ngàn huyện Lâm Bình bằng thuyền Kayak. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Du khách khám phá hồ thủy điện Tuyên Quang - “Hạ long cạn” giữa đại ngàn huyện Lâm Bình bằng thuyền Kayak. Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Chia sẻ về phương hướng phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết thêm: Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục huy động nguồn lực, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch có tiềm năng phát triển, ưu tiên khu vực lòng hồ thủy điện, các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh và một số điểm du lịch khác trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huyện phát triển các sản phẩm thủ công nghiệp, nghề truyền thống, sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản là đặc sản của địa phương, có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế và du lịch: Sản phẩm rượu ngô men lá chất lượng cao huyện Lâm Bình, rau bồ khai, rau giảo cổ lam... Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giữ gìn không gian cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; tăng cường thông tin, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa, con người Lâm Bình; phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng... Huyện Lâm Bình phấn đấu đến năm 2025, đón trên 161.000 lượt khách đến tham quan, du lịch.
 
Vũ Quang Đán
TTXVN

Có thể bạn quan tâm