Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh nông thôn mới với sự khác biệt của mỗi địa phương

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan (bên phải) kiểm tra việc trồng thanh long tại Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao Bình An, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan (bên phải) kiểm tra việc trồng thanh long tại Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao Bình An, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 5/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lấy nông thôn mới nuôi nông thôn mới là cách mà Bộ sẽ cùng các địa phương tìm kiếm nguồn lực ngoài sự hỗ trợ của Trung ương. Với tư duy tìm kiếm giá trị chúng ta có, từ giá trị đó tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của tư nhân, doanh nghiệp thì sẽ tạo ra sức bật mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh nông thôn mới với sự khác biệt của mỗi địa phương ảnh 1Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Lèo Văn Binh ở tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: Quang Quyết-TTXVN  

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mỗi địa phương dựa vào đặc điểm của mình sẽ tạo ra sự đa dạng trong nông thôn mới. Trong thời gian vừa qua, mỗi địa phương đã nhìn ra được mình có cái gì và tích hợp, cộng hưởng những cái đó lại thành giá trị nông thôn mới.

“Nông thôn mới kiểu mẫu không phải là một mẫu. Kiểu mẫu là hình ảnh nông thôn mới có sự khác biệt. Chính sự khác biệt đó trở thành hình ảnh của mỗi địa phương và từ đó thu hút dòng người từ đô thị về nông thôn để trải nghiệm trải nghiệm đời sống nông thôn, hiểu hơn về người dân nông thôn, nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi khởi động chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia nhỏ những vấn đề cần làm, đặc biệt ở những khu vực đặc thù để có những tư vấn, hướng dẫn sâu. Mỗi vùng, Bộ sẽ có cách tiếp cận để mỗi địa phương thấy rằng dù khó khăn về hạ tầng nhưng họ có giá trị sinh thái, văn hóa cao…Từ đó, kích hoạt được những giá trị văn chứ không chỉ trông vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh nông thôn mới với sự khác biệt của mỗi địa phương ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất hành, tỏi của người dân ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Đến tháng 7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2,4% so với cuối năm 2021; trong đó có 803 xã đạt nông thôn mới nâng cao, tăng 300 xã so với cuối năm 2021 và 94 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 51 xã; có 254 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt nông thôn mới; 18 tỉnh có 100% số xã đạt nông thôn mới; trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Điển hình như Đồng bằng sông Hồng đạt 99,8%, Đông Nam Bộ 91,3% trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 44,1%, Tây Nguyên 57,6%.

Hiện vẫn còn 5 tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã nông thôn mới”; trong đó, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bình quân mới đạt 3,4 tiêu chí/xã.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh nông thôn mới với sự khác biệt của mỗi địa phương ảnh 3Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan (bên phải) kiểm tra việc trồng thanh long tại Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao Bình An, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bên cạnh đó, đến nay, còn 3 bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới và Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao cấp huyện, xã giai đoạn 2021-2025. Có 7 bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung thành phần của chương trình. Bộ Tài chính chưa bản hành thông tư quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp… Dự toán chi tiết kinh phí sự nghiệp năm 2022 chưa được giao cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, tỉnh có cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng việc lồng ghép thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đối với tỉnh còn lúng túng. Mặc dù, tỉnh đã xác định lấy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm trụ cột, các chương trình còn lại sẽ thực hiện theo tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Đinh Công Sứ đề nghị sớm phân bổ nguồn lực, đặc biệt ưu tiên cho các tỉnh miền núi khó khăn để thực hiện cho các xã vùng III. Các bộ, ngành sớm hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương sớm triển khai đến tận cơ sở.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí.

Cấp huyện có ít nhất 50% đạt chuẩn nông thôn mới; có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm