Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận sáng 27/7 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với vai trò điều phối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 63 tỉnh, thành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng trước nhiều áp lực “còn lớn hơn nữa” so với những thực tế được nêu trong ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là làm sao để đưa khu vực nông thôn “trở thành những nơi đáng sống, nơi để chúng ta tìm đến, chúng ta quay về”. Với quan điểm này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng về hình ảnh xúc động trong những ngày qua, khi trước ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân mong mỏi được trở về nông thôn để tránh dịch.
“Nhưng tôi cũng an tâm là bên cạnh áp lực đó có động lực rất lớn, đó là 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và 499 đại biểu Quốc hội sẽ cùng đồng hành với chúng tôi trong suốt 5 năm sắp tới, bởi tất cả những phát kiến, phát hiện, thông tin, sáng kiến của đại biểu Quốc hội ở các địa phương sẽ giúp cho Bộ có cái nhìn toàn diện hơn”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ.
Về vấn đề sự trùng lắp giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia khác đã được các đại biểu quan tâm cho ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và sau đây sẽ làm việc với các bên liên quan để sớm báo cáo trước Quốc hội về phương án, không để trống xã nông thôn mới.
“Chương trình nông thôn mới phải phủ kín tất cả 63 tỉnh, thành phố, không để trống bất kỳ một địa phương nào. Nếu có chồng lấn thì cũng chỉ mang tính chất tích hợp thêm giá trị, nhất là đối với những địa bàn khó khăn”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề cơ cấu nguồn lực phân bổ cho Chương trình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự chia sẻ với ý kiến của các đại biểu, song trong điều kiện ngân sách trung ương khó khăn như hiện nay, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ cũng đã cân nhắc và báo cáo với Quốc hội về việc tạm chấp nhận cơ cấu đó. Trong trường hợp có những nguồn thu ngân sách tốt hơn, Chính phủ sẽ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tăng thêm nguồn lực. “Tuy nhiên, 'kịch bản' cuối cùng vẫn phải phù hợp với điều kiện ngân sách thời điểm hiện tại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập tới câu chuyện về tính bền vững trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là vấn đề có liên quan mật thiết tới thu nhập và sinh kế của người dân khu vực nông thôn. Theo Bộ trưởng, với thành tố “xây dựng”, tên của Chương trình mục tiêu này dễ khiến nhiều địa phương, cơ sở chỉ liên hệ tới mục đích thiên về cải tạo hạ tầng, công trình, cụ thể như cầu, đường, trụ sở, trạm..., thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế.
“Nếu những năm trước trồng 1 ha lúa, 5 năm sau cũng trồng 1 ha lúa như truyền thống, không thể nào chúng ta tăng thu nhập lên 1,5 lần”, Bộ trưởng nêu ví dụ, đồng thời khẳng định, nếu chỉ hỗ trợ người nông dân vay vốn để giảm nghèo, sản xuất mặt hàng nào đó, nhưng lại không hỗ trợ họ kết nối với thị trường thì người nông dân không thể nào gia tăng thu nhập.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng, tạo điều kiện, nâng cao tiện ích cho người nông dân, phải chú trọng hơn tới những “phần mềm”, những giá trị mới, làm sao để gắn kết, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba yếu tố trụ cột không thể tách rời, Bộ trưởng cho rằng, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là động lực để xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng để nông dân là chủ thể.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trong đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng, tạo ra động lực phát triển nông thôn.
“Tôi nghĩ tư duy bền vững là tư duy nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập bằng cách tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch đến phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường...”, Bộ trưởng làm rõ.
Song song với việc kiến tạo những giá trị vật chất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, những “giá trị mới” trong xây dựng nông thôn mới còn là việc xây dựng bản sắc văn hóa, giữ gìn hồn cốt của khu vực nông thôn. Làm được điều đó sẽ giúp khu vực nông thôn vừa có tiện ích như ở đô thị, nhưng vẫn bảo tồn được không gian sống, không gian sản xuất, là những tài nguyên đã có từ cả nghìn năm nay.
Bên cạnh đó, để tạo thêm những giá trị mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cần tạo điều kiện nâng cao năng lực của người dân, để chủ thể là người nông dân được tiếp cận nhiều hơn với ánh sáng tri thức, những điều mới mẻ, hợp tác cùng nhau, “làm chủ vận mệnh” của mình ngay cả ở thời điểm khó khăn như đại dịch COVID-19. Do đó, vấn đề tri thức hóa người nông dân cần được hết sức chú trọng trong việc triển khai Chương trình thời gian tới.
Ngoài ra, vấn đề môi trường nông thôn, văn hóa nông thôn, bình đẳng giới, vấn đề về dinh dưỡng đối với người dân nông thôn nói chung và trẻ em nông thôn nói riêng..., cũng là những “phần mềm” góp phần tạo nền tảng cho một xã hội phát triển bền vững.
“Chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta cần một nền móng chắc chắn thì công trình mới bền vững. Xây dựng nông thôn mới cũng cần một nền tảng từ chủ thể là người nông dân được tri thức hóa, được thay đổi thì chúng ta mới có một nông thôn mới phát triển bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Theo Bộ trưởng, khi thu nhập, sinh kế và chất lượng sống của người nông dân ở khu vực nông thôn tăng lên, khi họ có thể tiếp cận các kiến thức để tham gia các chương trình như OCOP, biết làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, biết bảo quản, chế biến nông sản, tìm kiếm thị trường, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, với các chuyên gia để biết cách trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi..., tất cả những điều kiện đó sẽ góp phần cấu thành một diện mạo nông thôn mới bền vững.
Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình trong những năm trước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý về yếu tố con người trong quá trình tham gia triển khai Chương trình. Theo Bộ trưởng, chính đội ngũ lãnh đạo ở cơ sở là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công. Đó chính là những người gần gũi thường xuyên với người dân cả trong công việc và cuộc sống, để thấu cảm với họ, tìm ra những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; vận động để người dân thay đổi những tập quán còn chưa tốt. Do đó, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sắp tới, cần có những chương trình tập huấn chuyên cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã để hỗ trợ họ tiếp cận được những giá trị mới của Chương trình.
Hiền Hạnh – Đỗ Bình