Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk quản lý và bảo vệ khoảng 73km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Camphuchia), địa bàn quản lý gồm 4 xã biên giới thuộc hai huyện Ea Súp, Buôn Đôn. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới.
“3 bám, 4 cùng” để tuyên truyền
Xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) hiện có 2.080 hộ dân với hơn 6.900 nhân khẩu, 23 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đóng chân trên địa bàn xã, thời gian qua, Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia R’vê đã bám đơn vị, bám địa bàn. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới được Đội vận động quần chúng đặc biệt chú trọng. Những buổi họp thôn, họp chi bộ, hội nghị được lồng ghép để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân chấp hành tốt quy chế biên giới, giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
Thượng úy Y Biza Rya, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia R’vê cho biết, là người dân tộc M’nông, anh có nhiều thuận lợi để trao đổi, hiểu và gần gũi với cuộc sống của đồng bào các dân tộc cũng như tuyên truyền pháp luật. Thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thường được tổ chức lồng ghép với các sự kiện đông người ở thôn. Từ khi dịch bùng phát, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức với quy mô nhỏ, lẻ, đến tận nhà dân hoặc chú trọng tuyên truyền qua tờ rơi, loa di động, loa truyền thanh cơ sở.
Những buổi cùng ăn, cùng làm, cùng tuyên truyền đã gắn kết tình cảm keo sơn giữa Bộ đội Biên phòng và nhân dân khu vực biên giới. Qua đó, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được nâng lên rõ rệt. Chị Lâm Thị Hợp, sinh năm 1980 cho biết, gia đình chị từ tỉnh Bến Tre lên xã Ia R’vê sinh sống đã 17 năm nay. Đóng chân trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê thường xuyên giúp đỡ, trao đổi, chăm lo cho nhân dân, tuyên truyền pháp luật để người dân biết việc đúng thì làm, việc sai thì tránh.
Theo ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê, huyện Ea Súp, thời gian qua, bằng nhiều kênh thông tin và các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã giải quyết tốt các vấn đề về an ninh nông thôn trên địa bàn, chấm dứt tình trạng khiếu kiện liên quan đến đền bù đất đai kéo dài. Đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của xã cơ bản được giữ vững, chỉ số an ninh, an toàn của xã được cải thiện đáng kể so với trước đây.
Hình thức tuyên truyền phong phú
Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, đơn vị chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống loa truyền thanh, loa cơ động, sinh hoạt tập trung hoặc đến tận hộ dân để tuyên truyền. Một cách làm hiệu quả khác đang được duy trì và phát huy là thành lập “Tủ sách pháp luật đường biên”, phối hợp với địa phương thành lập các tổ tư vấn pháp luật, câu lạc bộ chấp hành pháp luật.
Hiện nay, trên các địa bàn biên giới, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã xây dựng được 14 tủ sách pháp luật với hàng nghìn cuốn sách, tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa có nội dung về pháp luật. Tổ tự quản an ninh trật tự, tự quản đường biên đã được thành lập, hoạt động hiệu quả tại 38 thôn, buôn với 308 thành viên tham gia. Ngoài ra, các câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Phụ nữ phòng, chống vượt biên”,… được thành lập, mỗi thành viên trở thành cầu nối tích cực trong tuyên truyền, giáo dục gia đình và cộng đồng cùng thực hiện.
Song song với đó, những năm qua, Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, Ngày pháp luật được phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức với các hình thức phong phú đã thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia. Nhờ đó, hiện nay, trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 23 tập thể, 421 gia đình, 3.290 cá nhân tự nguyện cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; 26 tập thể, 482 gia đình, 1.559 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Năm 2021, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 1.257 buổi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước; góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới”.
Đại tá Đỗ Quang Thấm cho biết, thời gian tới, song song với nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật rộng khắp cho nhân dân vùng biên giới. Trong công tác tuyên truyền pháp luật, chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Đặc biệt, Luật Biên phòng Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là sự kiện có nghĩa quan trọng. Đơn vị mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, đưa chính sách vào cuộc sống, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, với niềm tin ấy, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đang miệt mài ngày, đêm bảo vệ và quản lý đường biên, cột mốc, chăm sóc sức khỏe và nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân. Qua đó, tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới được giảm thiểu, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên, bà con tin tưởng và hăng hái cùng với Bộ đội Biên phòng nỗ lực xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Hoài Thu