Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được xem là cánh tay nối dài của lực lượng Bộ đội Biên phòng, góp phần làm tốt công tác giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển.
Nhiều nông dân tình nguyện tham gia
Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ, huyện Giang Thành cho biết, thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đến nay, 51 hộ trên địa bàn hai xã Phú Mỹ và Phú Lợi đã tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới. Đa số những thành viên tham gia đều là những người có uy tín tại địa phương.
Các thành viên tự quản bảo vệ cột mốc đường biên như là cánh tay nối dài cho lực lượng biên phòng thực hiện công tác bảo vệ biên giới. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.
Công việc tuy có chút vất vả và đầy trách nhiệm là thế, nhưng các thành viên không hề có bất cứ đòi hỏi gì về quyền lợi. Hầu hết các thành viên là nông dân trồng lúa, nuôi tôm, trong khi thời gian họ dành cho hoạt động cũng ít nhiều ảnh hưởng đến làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Cũng vì vậy, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đề nghị với chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ nhà ở, phương tiện sản xuất, tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn sản xuất phát triển kinh tế. Đặc biệt là hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhà ở cho các thành viên tham gia giữ gìn vùng biên cùng với lực lượng Biên phòng.
Ông Ngô Văn Danh, ngụ ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi cho biết, các thành viên đều là những người tự nguyện tham gia để cùng nhau giúp lực lượng Bộ đội Biên Phòng tuần tra canh gác cột mốc, đường biên và các vấn đề an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Hàng ngày, các thành viên đều đi làm đồng cách đường biên, cột mốc khoảng vài mét. Nếu phát hiện điểm gì nghi vấn, họ đều báo với lực lượng Biên phòng để giải quyết.
Tự hào được tham gia giữ gìn vùng biên, mốc giới
Theo ông Đặng Văn Dữ, ngụ ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, được tham gia để cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, mốc giới là rất vinh dự, tự hào. Vì vậy, khi đi làm đồng hay tuần tra phát hiện xâm canh, xâm cư, săn bắt, chăn thả gia súc, chôn cất, chuyển mồ mả trái phép qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng hóa, chất cấm, tội phạm mua bán người và hoạt động đưa, đón người vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới; làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc quốc giới; làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, kênh, rạch biên giới hoặc làm thay đổi đường biên giới quốc gia trên sông, kênh, rạch…, các thành viên sẽ có động thái ngăn chặn và báo ngay với lực lượng Biên phòng để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, ông còn tham gia, phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong triển khai các hoạt động bảo vệ biên giới; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tuyên truyền, vận động mọi người nắm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia…
Không chỉ tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đường biên, cột mốc, khi dịch COVID-19 bùng phát ở vùng biên, nhiều người còn tham gia phòng, chống dịch, có người lấy nhà mình cho lực lượng chức năng ăn ở. Tại ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, ai cũng khen tấm lòng của ông Lý Văn Nhợi, đã dùng nhà của mình làm chốt chống dịch, để lực lượng liên ngành thực hiện nhiệm vụ. Hàng ngày, ông còn bắt cá, tôm, hái rau lo bữa cơm cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Căn nhà lá tuy không rộng nhưng thoáng mát nằm bên bờ sông Giang Thành. Trước đây, vợ chồng ông Lý Văn Nhợi cất nhà “tạm trú” để canh giữ vuông tôm của gia đình và tham gia giữ gìn đường biên, mốc giới từ số 304/6 đến cột mốc 304/7 và 304/8, có chiều dài biên giới khoảng 1.065. Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đi khảo sát, tìm vị trí dựng chốt để lực lượng liên ngành chống dịch. Thấy vậy, ông Nhợi đưa vợ con, các cháu về ấp Kinh Mới, xã Phú Mỹ dành nhà cho đơn vị bộ đội mượn. Tất cả vật dụng trong nhà, ông Nhợi để hết lại.
Do điều kiện vị trí nơi đóng quân xa chợ, cách trở sông nước, bộ đội ngày đêm bận bịu nhiệm vụ, ông Nhợi tự nguyện ở lại để chăm lo bữa cơm để lực lượng chống dịch tập trung thời gian, công sức làm tốt nhiệm vụ. Ở bên nhau, tình thâm nghĩa dày, anh em chống dịch gọi ông Nhợi bằng chú Ba.
Cùng quây quần hơn hai năm qua, chú Ba luôn xem lực lượng liên ngành như con cháu trong nhà. Hằng ngày, mấy chú cháu có gì ăn nấy, cùng chịu cực chịu khổ, chia sẻ vui buồn. Các lực lượng lo thực hiện nhiệm vụ của mình, chú Ba bắt cá, hái rau, nấu nướng. Hết ca trực về, anh em có bữa cơm nóng, canh ngọt ấm lòng. Ban đêm sau ca trực, cuộc đi tuần về, thi thoảng, chú Ba còn nấu cho anh em nồi cháo lúc thịt gà, khi thịt vịt…
Bà Trần Kim Ly, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Mỹ cho biết, những người tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới trên địa bàn đều sinh sống lâu năm ở địa phương. Trước đây, khi tham gia, họ chỉ làm nhiệm vụ tuần tra canh gác cột mốc và đường biên giới. Những năm gần đây, các thành viên đã giúp cho địa phương rất nhiều việc hiệu quả, như cùng giải quyết hòa giải cơ sở, cùng với Mặt trận Tổ quốc xã vận động bà con không ra nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, không tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng cấm... Năm 2021, các thành viên đã phát hiện báo về đơn vị biên phòng bắt 6 vụ buôn lậu qua biên giới (chủ yếu là thuốc lá).
Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các thành viên ở vùng biên giới Giang Thành góp phần thực hiện tốt công tác giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển.
Lê Sen