Bình Thuận và Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cung ứng thực phẩm an toàn

Bình Thuận và Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cung ứng thực phẩm an toàn
Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các nông sản chủ lực của tỉnh Bình Thuận tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các nông sản chủ lực của tỉnh Bình Thuận tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Mục tiêu của chương trình là nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Thuận được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, khai thác…) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Từng bước nâng thị phần, sản lượng nông sản an toàn của tỉnh Bình Thuận về tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn được ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là rau, thịt… an toàn từ cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (sản xuất theo quy trình VietGAP...) của tỉnh Bình Thuận được tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn…) của Thành phố Hồ Chí Minh. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các nông sản chủ lực của tỉnh Bình Thuận tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận, trong đó xây dựng và thực hiện các mô hình chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận có ít nhất 50% sản lượng nông sản, thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Vì vậy, trong những năm qua, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực quan tâm xây dựng một số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, đến nay, Bình Thuận đã xây dựng được: 2 chuỗi thanh long (sản lượng 6.000 tấn/năm); 1 chuỗi mủ trôm; 3 chuỗi nước mắm; 2 chuỗi thủy sản đông lạnh; 3 mô hình sản phẩm thủy sản khô; cấp 11 giấy xác nhận cho 9 điểm bày bán với 162 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, Bình Thuận đang hỗ trợ 4 doanh nghiệp thực hiện dán tem điện tử cho các sản phẩm: thủy sản khô, thủy sản khô ăn liền, mủ trôm, rau an toàn. Người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kết nối, hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh với sản lượng thủy sản đông lạnh 3.060 tấn/năm, thủy sản khô 629 tấn/năm, đồ hộp thủy sản 630 tấn/năm…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít so yêu cầu và cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất nông, thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận tìm kiếm cơ hội xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm an toàn vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thanh 

Có thể bạn quan tâm