Phong cảnh bờ biển thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Bộ Chính trị đã định hướng phát triển Bình Thuận trong tương lai với 3 trung tâm quy mô quốc gia, trong đó có Trung tâm du lịch - thể thao biển quốc gia. Du lịch Bình Thuận đang hướng tới tương lai bằng sự tự tin của một điểm đến mang tầm quốc gia và khu vực.
Năm 1995, sự kiện Nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/2015 đã thu hút hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Mũi Né - Phan Thiết -Bình Thuận để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, trong đó có nhiều doanh nhân đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Từ đó, địa danh Mũi Né - Phan Thiết – Bình Thuận nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách lịch và các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế. Nguồn tài nguyên du lịch phong phú được khơi dậy và đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận.
Là một tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ, Bình Thuận có vị trí thuận lợi là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đồng thời là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bình Thuận có 192 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành, có các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc…
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Sau 22 năm, từ chỗ hầu như không có gì, đến nay du lịch Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả và có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiệu quả đầu tư cùng với môi trường đầu tư thông thoáng đã thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch ở Bình Thuận. Tính đến tháng 10/2017, toàn tỉnh có 390 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 7.400 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là 63.500 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án có quy mô từ 200-500 ha. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng với hơn 300 cơ sở lưu trú, tổng số 11.000 phòng và hơn 500 căn hộ, biệt thự cho khách du lịch thuê.
Nếu như năm 1995 cả tỉnh Bình Thuận mới đón 53.200 lượt khách, năm 2016 toàn tỉnh đã đón 4.500.000 lượt khách, tăng gấp 80 lần so với năm 1995. Riêng khách quốc tế vào năm 1995 chỉ có 5.300 lượt khách thì năm 2016 đạt 300.000 lượt khách, tăng gấp 85 lần so với năm 1995.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao, du lịch tín ngưỡng, du lịch MICE… Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. Năm 2016, du lịch đóng khoảng 7% GRDP của tỉnh. Du lịch phát triển đã tạo điều kiện giải quyết nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển. Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
Qua 22 năm phát triển, du lịch Bình Thuận đã tạo dựng được thương thiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Theo nhận định của các chuyên gia, 22 năm qua không nơi nào trên đất nước Việt Nam có tốc độ đầu tư trên lĩnh vực du lịch mạnh mẽ như tại Phan Thiết – Bình Thuận. Cùng với đó, hạ tầng giao thông đến Bình Thuận đang hoàn thiện cũng là một điểm thuận lợi cho du lịch Bình Thuận. Quốc lộ 1A đã mở rộng hoàn thành; cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ khởi công trong thời gian tới; sân bay Phan Thiết và cảng Vĩnh Tân đã khởi công xây dựng, hệ thống giao thông nối kết các khu, điểm du lịch đang hoàn thiện.
Để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh những giải pháp về phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn thân thiện… việc hợp tác, liên kết du lịch là một trong những giải pháp quan trọng được Bình Thuận quan tâm.
Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận, trong những năm tới, Bình Thuận tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Bình Thuận - Thành phố Hồ Chí Minh – Lâm Đồng; đồng thời chủ động tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ nhằm nối tour khách quốc tế đến Bình Thuận từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thu hút khách nội địa vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh đón khoảng 7 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân từ thu hút du khách quốc tế đạt từ 12 - 14% năm, du lịch đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh. Với những bước tiến dài và bền vững, du lịch Bình Thuận không chỉ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Du lịch Bình Thuận đang hướng tới tương lai bằng sự tự tin của một điểm đến mang tầm quốc gia và khu vực.
Nguyễn Thanh
TTXVN