Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN |
Sau khi kiểm tra thực tế tại công trình thủy lợi sông Quao (huyện Hàm Thuận Bắc), khu neo đậu tàu, thuyền Phú Hài (thành phố Phan Thiết) và làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, Thiếu tướng Ngô Quý Đức đánh giá cao những nỗ lực của Bình Thuận trong việc chủ động phòng chống thiên tai, sự cố trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Thiếu tướng Ngô Quý Đức yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cần bám sát mục tiêu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho 12 tình huống cơ bản theo Quyết định 1041/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 như: Ứng phó sự cố tràn dầu; sự cố tai nạn tàu, thuyền trên biển; sự cố động đất, sóng thần... Các đơn vị, địa phương cần có phương án chủ động với các tình huống vỡ đê, đập cụ thể từ hình thức báo động, cảnh báo kết hợp với sơ tán nhân dân vùng hạ lưu. Ngoài ra, việc chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, vật tư, nhân lực cứu hộ cứu nạn với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và diễn tập theo phương án là cần thiết…
Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN |
Bên cạnh đó, Bình Thuận cần tăng cường kiểm tra, giám sát tàu, thuyền hoạt động ra khơi, đồng thời quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, sử dụng thuốc nổ trái phép để hạn chế sự cố trên biển…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, năm 2017, Bình Thuận chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai, thời tiết với diễn biến phức tạp như bão, lốc xoáy, lũ quét... làm chết 6 người, hư hỏng gần 300 căn nhà và trên 14 nghìn ha nông nghiệp bị thiệt hại.
Bình Thuận chịu ảnh hưởng gián tiếp của bão số 12 và trực tiếp của bão số 14. Ngoài ra, trên biển xảy ra 94 vụ tai nạn, sự số. Tổng thiệt hại toàn tỉnh là 100 tỷ đồng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn xảy ra một số thiên tai như sạt lở bờ biển, sét đánh, cháy rừng... Trên biển xảy ra 43 vụ tai nạn làm chết 21 người, chìm 9 tàu cá.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận kiến nghị Đoàn công tác vấn đề khó khăn về nguồn vốn khắc phục hậu quả sau thiên tai. Tỉnh Bình Thuận đề nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…
Hồng Hiếu