Bình Thuận là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn với hơn 40.000 ha. Ngoài cây trồng chủ lực là thanh long, hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn trồng nhiều loại trái cây khác như: sầu riêng, táo, nho, xoài…
Xác định việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết để trái cây Bình Thuận đáp ứng được nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu bền vững, địa phương đã tập trung cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả chủ lực có tiềm năng xuất khẩu.
Theo đó, tính đến đầu năm 2023, tỉnh có 613 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp; trong đó, có 611 mã số vùng trồng thanh long, 2 mã số vùng trồng sầu riêng và 302 mã số cơ sở đóng gói.
Cụ thể, mã vùng trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc là 129 mã số; Australia là 157 mã số; New Zealand là 157 mã số; Hoa Kỳ là 72 mã số; Nhật Bản 7 mã số; Trung Quốc là 91 mã số.
Mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 279 mã số; Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand là 23 mã.
Với hơn 27.700 ha, thanh long đang là cây trồng lợi thế và chủ lực xuất khẩu của tỉnh. Hiện, có khoảng 80% trái thanh long tươi được xuất khẩu; trong đó, chỉ có khoảng 2- 3% là chính ngạch. Còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.
Hiện nay, đa phần các nước như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần nhất là Trung Quốc… đều đưa ra yêu cầu chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu.
Do đó, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, để được cấp mã số vùng trồng rất khó nhưng việc duy trì mã số càng khó hơn. Tất cả các đối tượng cây trồng đã được cấp mã phải duy trì hiện trạng vườn trồng. Đồng thời, cập nhật và tuân thủ theo các điều kiện của nước nhập khẩu thì mới có thể duy trì mã, nếu vi phạm đều bị thu hồi.
Vì vậy, trong năm 2022, song song với thiết lập và cấp mã số vũng trồng, Chi cục đã thực hiện giám sát 213 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng và giám sát 90 cơ sở đóng gói sản phẩm trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand.
Để nâng cao hiệu quả việc cấp và quản lý, sử dụng hiệu quả mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản về quy định mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Đồng thời, nâng cao nhận thức về xây dựng vùng nguyên liệu và duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói; có biện pháp bảo vệ mã số của mình...
Cùng với đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số trên địa bàn theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở nhà đóng gói theo đúng quy định của pháp luật.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Bên cạnh cấp mã số vùng trồng thì mã số cơ sở đóng gói cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.
Hồng Hiếu