Bình Phước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương

Người dân tham gia hội chợ. Ảnh: K GỬIH –TTXVN
Người dân tham gia hội chợ. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Tỉnh Bình Phước đang từng ngày đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông thông suốt, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã giúp Bình Phước dần hình thành các vùng trồng cây ăn trái quy mô lớn với giá trị kinh tế cao, chú trọng xây dựng thương hiệu đưa hàng nông sản vươn xa.

Bình Phước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương ảnh 1Tối 2/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức khai mạc Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ V năm 2022 với sự tham gia của 200 gian hàng. Hội chợ năm nay có chủ đề “Nông nghiệp thịnh vượng - nông dân giàu có - nông thôn văn minh hiện đại”. Hội chợ huy động sự tham gia của các sản phẩm dựa trên 3 trụ cột là “sản phẩm trồng trọt”, “sản phẩm chăn nuôi” và “sản phẩm gỗ mỹ nghệ”. Trong ảnh: Người dân tham gia hội chợ. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Phát huy thế mạnh tiềm năng

Tỉnh Bình Phước có nhiều thế mạnh phát triển về nông nghiệp và cây ăn trái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 151.000 ha cây điều, gần 16.000 ha cây tiêu, trên 12.000 ha cây ăn trái; trong đó, chủ yếu là quýt, xoài, chôm chôm, nhãn, mít, sầu riêng, bưởi…

Nhìn chung, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây trong tỉnh trong thời gian vừa qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới giá trị gia tăng không cao, thu nhập của nông dân còn bấp bênh theo mùa vụ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Với tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng, một số doanh nghiệp chợ đầu mối cũng đã có những chia sẻ để Bình Phước cần thiết phải chú trọng đầu tư sơ chế sâu trong nông nghiệp. Qua đó, từng bước đưa các mặt hàng nông sản từ đồng ruộng lên sàn giao dịch điện tử để các mặt hàng nông sản, cây ăn trái có thể thâm nhập vào chợ đầu mối, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ. Bình Phước phát huy thế mạnh, chú trọng xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm địa phương.

Theo ông Bùi Huy Đoàn, Trưởng vùng sản xuất Đông Nam Bộ Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, hiện tại bà con nông dân tổ chức theo kiểu tự do, manh mún, chạy theo giá thị trường nên chưa có đầu ra ổn định. Bà con nông dân đang tạm thời tính theo giá của thị trường và hướng đi đó đang tạo ra rào cản cho tổ chức sản xuất và liên kết đầu ra.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, vị trí địa lý của tỉnh Bình Phước rất thuận lợi khi có đường giao thông đi về các trung tâm thu mua lớn phát triển trước. Ví dụ như Tp. Hồ Chí Minh, các trung tâm thu mua các cảng là rất thuận lợi. Chính vì thế, từ trước đến nay Bình Phước chưa chú trọng quy hoạch các trung tâm sơ chế đóng gói. Đến nay, các sản lượng các sản phẩm nông nghiệp rất lớn, các nhà đầu tư cũng như các chủ cơ sở rất chú trọng đầu tư sản phẩm chuyên nghiệp.

Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã giúp Bình Phước dần hình thành các vùng trồng cây ăn trái quy mô lớn có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bơ, xoài, mít, ổi, bưởi da xanh, cam, quýt… cũng như phát triển mạnh các loại cây công nghiệp như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu.

Ông Phan Anh Tuấn, Phó Phòng kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh đánh giá các mặt hàng nông sản của tỉnh Bình Phước trong những năm gần đây rất đa dạng và phong phú về chủng loại. Đây là địa phương có tiềm năng rất là lớn để đưa sản phẩm nông nghiệp đưa về Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Các mặt hàng của tỉnh Bình Phước muốn tiệu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh cũng như chợ đầu mối nông sản trong thời gian tới cần chú trọng hơn về đảm bảo về an toàn thực phẩm và chất lượng. Đặc biệt, các mặt hàng cần có nhẵn mắc để quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh Bình Phước.

Việc tổ tỉnh Bình Phước Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh đầu tháng 6 vừa qua với chủ đề "Nông nghiệp thịnh vượng - nông dân giàu có - nông thôn văn minh, hiện đại", nhiều địa phương, doanh nghiệp mong muốn đưa nông sản Bình Phước vươn xa. Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, mới đây là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Từ các chương trình trên đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tạo được nhiều sản phẩm đặc trưng có chất lượng cao được thị trường đón nhận.

Bình Phước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương ảnh 2Tối 2/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức khai mạc Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ V năm 2022 với sự tham gia của 200 gian hàng. Hội chợ năm nay có chủ đề “Nông nghiệp thịnh vượng - nông dân giàu có - nông thôn văn minh hiện đại”. Hội chợ huy động sự tham gia của các sản phẩm dựa trên 3 trụ cột là “sản phẩm trồng trọt”, “sản phẩm chăn nuôi” và “sản phẩm gỗ mỹ nghệ”. Trong ảnh: Đại biểu tham quan các gian hàng tại hội chợ. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Xây dựng thương hiệu

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương tiêu thụ, doanh nghiệp luôn mong muốn nhà nông Bình Phước phát huy thế mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm dựa trên đất đai, thổ nhưỡng. Việc tạo thương hiệu riêng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh hàng nông sản so với các vùng miền khác.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, diện tích của từng hộ nông dân, từng hợp tác xã có diện tích tương đối lớn hơn so với một số địa phương khác. Do đó người dân sản xuất có lợi thế về quy mô cũng rất là tốt. Thổ nhưỡng đất bazan cũng có đặc điểm riêng tạo sự sự khác biệt trong chất lượng nông sản so với một số khu vực khác. Đó là những đặc điểm có thể tạo ra thương hiệu, có thể có lợi thế về chi phí, áp dụng công nghệ cao trong quản lý và sản xuất.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước Trần Quốc Duy cho biết, thời gian qua địa phương thực hiện kết nối cung cầu để làm sao đó để giảm bất những khâu trung gian đến những điểm chốt cuối cùng nâng cao giá trị của sản phẩm và hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cho hợp tác xã xây dựng thương hiệu uy tín. Các bên liên quan từng bước, chung tay phát triển thị trường trong và ngoài nước bền vững, ổn định thể hiện tính đầy tiềm năng cho nông sản của Bình Phước và các mặt hàng chủ yếu khác.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Đào Thị Lanh, thời gian qua tỉnh luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Mới đây là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp...

"Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiến bộ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân. Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết, tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông sản", bà Đào Thị Lanh cho biết thêm.

Bình Phước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương ảnh 3Người trồng tiêu xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) thu hoạch tiêu sớm để tận dụng công lao động nhàn rỗi và giá bán cao. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Những năm gần đây, các loại trái cây của tỉnh Bình Phước đã dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Giá trị sản xuất các sản phẩm trái cây nói riêng và nông sản nói chung đã tăng trưởng ổn định qua các năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ngoài ra, giá trị sản phẩm đã giải quyết được nhiều việc làm và giúp xây dựng nông thôn Bình Phước ngày càng khang trang, thịnh vượng. Qua đó, việc xây dựng mạnh thương hiệu cho nông sản Bình Phước vươn xa là cấp thiết và mang lại lợi ích bền vững.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm