Trước diễn biến phức tạp khi hàng loạt loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật đang lây lan nhanh ở nhiều địa phương, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các phương án chủ động ứng phó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên đàn vật nuôi, ở phạm vi rộng; trong đó, dịch cúm gia cầm xảy ra ở 14 tỉnh, thành phố; dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 47 tỉnh, thành phố; bệnh lở mồm long móng xảy ra ở 4 tỉnh, thành phố; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra ở 13 tỉnh, thành phố.
Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, lợ mồm long móng không xảy ra, tuy nhiên bệnh dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát và lây lan tại 202 hộ, 93 thôn ấp, 44 xã và 10 huyện, thị xã, thành phố với số lợn chết và buộc phải tiêu hủy 5.510 con.
UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dịch xảy ra trên địa bàn là do các địa phương, chủ vật nuôi chưa chú trọng đến phòng bệnh bằng vaccine, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi đạt rất thấp, trong khi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.
UBND tỉnh Bình Phước nhận định, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và phát sinh lây lan dịch trong thời gian tới là rất lớn.
Trước những nguy cơ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; tiếp tục tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương đang có dịch bệnh phát sinh; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Các đơn vị chức năng và địa phương, tăng cường giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, hướng dẫn rà soát, thống kê đàn vật nuôi; xây dựng dự toán kinh phí mua vaccine, vật tư tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đợt 2 năm 2022; tổ chức giám sát, đánh giá sau tiêm phòng đối với một số bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; giám sát lưu hành các loại mầm bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, dại...) để có cơ sở cảnh báo, khuyến cáo sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh theo đúng quy định; tổ chức các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép…
Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn Bình Phước đạt 1,68 triệu con, tăng 44,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số lợn xuất chuồng tại Bình Phước đạt 1,16 triệu con, tăng 47,8%; sản lượng xuất chuồng đạt hơn 114.000 tấn, tăng 47,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Bình Phước có đàn trâu bò đạt khoảng 53.000 con; đàn gia cầm 12,3 triệu con.
Bình Phước hiện đang là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi với quy mô lớn.
Sỹ Tuyên