Bình Phước: Nâng cao hiệu quả mô hình “Tiết học biên giới”

Bình Phước: Nâng cao hiệu quả mô hình “Tiết học biên giới”

Từ năm 2020, đã có 12 Chi đoàn và cơ sở thuộc Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện mô hình “Tiết học biên giới”. Sau hơn 3 năm, Mô hình đã tổ chức tuyên truyền, giảng dạy được hơn 120 buổi với hơn 3.200 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh dân tộc thiểu số vùng biên giới trên địa bàn toàn tỉnh tham gia.

Bình Phước: Nâng cao hiệu quả mô hình “Tiết học biên giới” ảnh 1Thầy và trò Trường TH&THCS Lộc Thành, huyện Lộc Ninh tham gia tiết học biên giới ngoài thực địa. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Trong thời gian qua, để triển khai hiệu quả mô hình “Tiết học biên giới”, các chiến sĩ thuộc Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã giảng dạy bằng phương pháp tuyên truyền miệng kết hợp trình chiếu Powerpoint, các video clip với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, sát thực với địa bàn, phù hợp với đối tượng học sinh.

Xen kẽ giữa các chuyên đề tuyên truyền là các buổi học ngoại khóa tại cột mốc, các tiết mục văn nghệ do đơn vị, giáo viên, học sinh biểu diễn để thu hút sự chú ý, theo dõi của các em. Tiết học đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới; có khả năng nhận biết, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn xã hội và các loại tội phạm; giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là các vi phạm liên quan đến tệ nạn ma túy, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình “Tiết học biên giới”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Phước đưa ra các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, các vị chức sắc, già làng và trưởng bản trong vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phòng, chống các âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây đựng khối đại đoàn kết dân tộc...

Bình Phước là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài 259,939 km. 15 xã biên giới thuộc các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 19%, tập trung chủ yếu ở địa bàn miền núi, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm