Bình Phước: Hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ứng dụng công nghệ thông tin

Bình Phước: Hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ứng dụng công nghệ thông tin

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt danh sách điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn năm 2023. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức 18 điểm tại 4 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, 14 xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ bà con ứng dụng công nghệ thông tin.

 Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, việc triển khai các điểm hỗ trợ trên nhằm cụ thể hóa việc triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.


Tỉnh Bình Phước tổ chức các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại 3 huyện biên giới gồm Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp và hai huyện miền núi Phú Riềng, Bù Đăng. Trong đó, 14 điểm hỗ trợ được đặt tại 14 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 4 điểm tại 4 xã đặc biệt khó khăn.

Tại mỗi điểm hỗ trợ, người dân được sử dụng dịch vụ truy nhập internet băng thông rộng theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Các điểm hỗ trợ này giúp người dân tìm hiểu thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước qua mạng internet; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội, kiến thức về đảm bảo an ninh, trật tự; giúp người dân vùng khó khăn có kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng di động, nền tảng số, dịch vụ trực tuyến trên mạng internet.

Tại Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, thị trường; nắm bắt thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện, được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Tỉnh Bình Phước hiện có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn, dân số khoảng 1 triệu người, trong đó, gần 20% là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 41 thành phần dân tộc sống đan xen tại 11 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm