Gỗ lim có tuổi đời khai thác được lên đến 40 năm, do vậy việc trồng rừng bằng loại cây lim được xem là "trồng rừng cho đời sau".
Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện chương trình trồng cây lim xanh đối với diện tích rừng thay thế. Đây là những khoảng rừng trống bên trong diện tích rừng phòng hộ có ý nghĩa đặc biệt về nhiều mặt bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên.
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, ông Lê Văn Bình cho biết, năm 2021, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân đã trồng 11,08ha rừng bằng cây lim xanh, hay còn gọi là cây thiết lim, cho diện tích rừng thay thế; mật độ trồng 833 cây/ha. Kế hoạch năm 2022, Ban sẽ trồng 25ha.
Diện tích rừng đã trồng đã được chăm sóc lần 1, đến tháng 9 này sẽ tiến hành chăm sóc lần 2. Cây rừng sau khi trồng 1 năm sẽ được chăm sóc thêm 3 năm, sau đó sẽ để cây có thể phát triển bình thường trong hệ sinh thái rừng.
Theo ông Bình, việc trồng rừng thay thế bằng cây lim là chương trình trồng rừng bằng cây bản địa, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có tuổi đời sinh trưởng và phát triển rất lâu năm nhằm tạo cho rừng phòng hộ có chất lượng rừng tốt, khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên trước đây.
Cây lim xanh là loại cây gỗ lâu năm, là cây bản địa của nhiều vùng tại Việt Nam; trong đó có tỉnh Bình Định, gỗ thiết lim thuộc gỗ nhóm 2 hiện đã cực kỳ khan hiếm; thời gian từ thời điểm trồng cho đến khi có thể khai thác lấy gỗ khoảng từ 40 năm trở lên. Do vậy, việc trồng cây lim cho rừng thay thế được xem là "trồng rừng cho các thế hệ sau", "trồng rừng cho tương lai".
Huyện Hoài Ân hiện có hơn 31.000 ha rừng phòng hộ; trong đó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý khoảng 20.600ha (cùng với khoảng 6.000ha rừng sản xuất). Toàn bộ diện tích đất trống bên trong rừng phòng hộ sẽ được phủ kín dần bằng những loại cây trồng bản địa như thiết lim.
Kha Phạm