Vẻ đẹp hoang sơ của Eo Gió. Nhật Anh - TTXVN |
Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Định, trong quý I/2020, ngành Du lịch tỉnh đón khoảng 172.340 lượt khách, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, khách quốc tế ước đạt 22.292 lượt, giảm 30%; khách nội địa ước đạt hơn 150.000 lượt, giảm 56.2%. Trong dịp lễ 30/4 - 1/5, hơn 15.000 lượt khách đến tham quan tại các địa điểm du lịch ở Bình Định, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách năm nay không đông như dịp lễ năm ngoái, nhưng đây là tín hiệu khả quan của ngành Du lịch tỉnh Bình Định sau đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Bình Định đã triển khai chương trình kích cầu, khôi phục du lịch nội địa, đảm bảo giãn cách và các biện pháp phòng dịch tại mỗi điểm đến, cơ sở lưu trú. Những sản phẩm du lịch trọn gói gồm vé máy bay, nghỉ dưỡng, tham quan, ẩm thực... được xây dựng, nhắm vào nhóm trẻ và gia đình, chú trọng đáp ứng các đặc tính của khách Việt.
Ông Bolyshev Kirill, Trưởng Bộ phận Lễ tân Khu nghỉ dưỡng Crown Retreat (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) cho biết: Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội đến nay, cơ sở phải tạm ngừng hoạt động, doanh thu của đơn vị giảm hẳn, lao động phải nghỉ việc. Sau khi mở cửa kinh doanh trở lại, Khu nghỉ dưỡng đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi và đã thu hút được nhiều khách, đạt kết quả như mong đợi.
"Hiện nay, chúng tôi xác định khách tham quan, nghỉ dưỡng trong giai đoạn này thị trường chính là khách nội địa, do đó chú trọng đáp ứng các đặc tính của khách Việt. Chúng tôi rất vui mừng vì Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt, Bình Định trở thành điểm đến an toàn. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quảng bá và xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới đạt chất lượng để thu hút khách du lịch", ông Bolyshev Kirill nhấn mạnh.
Sau đợt giãn cách xã hội, khách du lịch đã trở lại Khu Du lịch Kỳ Co (thành phố Quy Nhơn) ngày một đông. Ông Nguyễn Phụ Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Hoàng Đạt - chủ đầu tư Khu Du lịch Kỳ Co cho biết, doanh nghiệp của ông xác định “sống chung” với đại dịch COVID-19, phải vừa hoạt động kinh doanh để nuôi bộ máy, đồng thời trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách. Do đó, không thể ngồi yên chờ đến khi hết dịch bệnh mới mở hoạt động kinh doanh, tận dụng thời gian này, đơn vị triển khai nhiều công tác để đón đầu sau khi hết dịch.
“Thời gian này, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hạng mục còn thiếu; nâng cấp cơ sở vật chất phòng nghỉ, nhà hàng; trồng thêm nhiều cây xanh trong khu du lịch. Đồng thời, doanh nghiệp mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên để phục vụ du lịch chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”- ông Sơn chia sẻ.
Chị Phạm Thúy Uyên (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang cùng người thân du lịch nghỉ dưỡng tại Khu nghỉ dưỡng Crown Retreat cho biết, lý do chọn Bình Định để đến du lịch, bởi ở đây không có dịch COVID-19, rất an toàn và yên tâm; thắng cảnh biển rất đẹp, món ăn hấp dẫn. Nhiều du khách đến Quy Nhơn-Bình Định vào thời gian này đều cho biết đến Quy Nhơn bởi ở đây an toàn và nhiều địa điểm du lịch biển đảo hấp dẫn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định Nguyễn Hoàng Vũ, ngay sau khi kinh doanh dịch vụ du lịch được hoạt động trở lại, Hiệp hội Du lịch Bình Định đã tổ chương trình: “Kích cầu du lịch Bình Định 2020” lần thứ 2. Với chương trình kích cầu du lịch lần này, Hiệp hội cam kết sẽ giảm giá từ 10 - 40% giá các loại dịch vụ cung ứng và giảm từ 40 - 50% giá vé vào cổng các địa điểm du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ không giảm. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tạo thêm một số sản phẩm mới mang bản sắc đặc trưng của vùng đất Bình Định, trong đó vẫn chú trọng du lịch biển đảo và du lịch ở các điểm văn hóa gắn với làng nghề cộng đồng. Từ đó, xây dựng điểm đến Bình Định an toàn, hấp dẫn trong thời gian tới.
Sở Du lịch Bình Định vừa tiến hành khảo sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (lữ hành, vận chuyển, lưu trú, các cơ sở dịch vụ) trên địa bàn toàn tỉnh để nắm bắt tình hình thiệt hại, từ đó đề xuất những chính sách hỗ trợ và các giải pháp khắc phục, phục hồi của doanh nghiệp sau dịch COVID-19. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo để những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như: có các gói tín dụng cho vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế,… sớm đến với doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Huỳnh Cao Nhất cho hay, một điều rất đáng kỳ vọng là trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp du lịch đã biến cái khó thành cơ hội để tái cơ cấu lại hoạt động, nâng cấp, sửa chữa cơ sở và đặc biệt chủ động cho tâm thế đón đầu cơ hội kinh doanh mới sau dịch. Sở Du lịch sẽ tham mưu UBND tỉnh và các cấp cao hơn các chính sách về an sinh xã hội, các chính sách khôi phục hoạt động sản xuất. Từ thực tiễn, Bình Định sẽ tập trung ưu tiên phát triển khách du lịch nội địa; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tỉnh, thành cùng chung tay kích cầu du lịch, để vừa phát triển du lịch song hành với phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch, giảm giá dịch vụ; đồng thời mở lại liên kết chuỗi du lịch các tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên, tạo thành tour du lịch từ miền núi xuống miền biển, tạo điểm đến hấp dẫn, an toàn thu hút du khách. Trước tiên, Bình Định sẽ hướng đến thị trường nội địa vì có khả năng khôi phục nhanh. Các thị trường quốc tế, khả năng phục hồi vào cuối năm 2020 đầu năm 2021. Việc xác định thị trường, thời gian phục hồi sẽ giúp tỉnh Bình Định xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp.
Nguyên Linh
TTXVN