Diện tích trồng lúa lai của đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh trong 3 năm qua đạt 7.300 ha, năng suất bình quân các năm đạt 60 tạ/ha, tăng 7,2 tạ/ha so với lúa thuần trong cùng điều kiện. Trong đó, vụ mùa Đông Xuân 2017 - 2018 nông dân gieo sạ hơn 1.780 ha, năng suất đạt 62,4 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí và khoản hỗ trợ của nhà nước, 1 ha lúa lai nông dân có lợi nhuận tăng 4,3 triệu đồng so với sản xuất lúa thuần trong cùng điều kiện.
Nông dân tham quan cánh đồng sản xuất lúa giống ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: baobinhdinh.vn |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, với sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thói quen canh tác lúa nương rẫy năng suất thấp của đồng bào được thay đổi, hầu hết các hộ đã đưa giống lúa lai vào sản xuất; hạn chế tình trạng di dân tự do, tình trạng phá rừng làm nương rẫy giảm hẳn, không xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt như trước đây. Bên cạnh việc hỗ trợ 100% giống lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Định còn huy động các nguồn lực để hỗ trợ hơn 1.000 tấn phân bón; tổ chức các tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa lai. Vụ mùa Hè Thu 2018, tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 huyện với khoảng 60 tấn giống lúa lai để gieo sạ 1.280 ha. Các địa phương xây dựng kế hoạch, sử dụng các nguồn kinh phí chương trình 135, chương trình 30A…để hỗ trợ vật tư phân bón, tập huấn kỹ thuật và cung ứng đầy đủ nguồn nước tưới cho vụ mùa mới.
Nguyên Linh