Bình Định giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng trên sàn thương mại điện tử

Phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: Thu Dịu/baobinhdinh.vn
Phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: Thu Dịu/baobinhdinh.vn

Nhằm giúp nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hội viên, nông dân về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, cũng như về kiến thức xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm tại địa phương.

Bình Định giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng trên sàn thương mại điện tử ảnh 1Phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: Thu Dịu/baobinhdinh.vn

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định Lê Thị Thanh Hương cho biết, từ năm 2022, Hội Nông dân tỉnh ký kết và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng của nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 63.000 hộ sản xuất nông nghiệp được cập nhật lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, 217 sản phẩm OCOP được giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử này.

Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức; đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình như: Các cấp Hội phối hợp vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong khai thác xa bờ, sử dụng công nghệ thông tin thành lập các trang web để giới thiệu dịch vụ du lịch, sản phẩm nông nghiệp, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng nhà lưới, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị và truy cập mạng Internet để phục vụ sản xuất, kinh doanh...

Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 70.040 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Riêng giai đoạn 2018 - 2023, đã có 54.039 hộ có mức thu nhập từ 100 đến dưới 200 triệu đồng/năm; 8.173 hộ có mức thu nhập từ 200 đến dưới 300 triệu đồng/năm; gần 4.000 hộ có mức thu nhập từ 300 đến dưới 500 triệu đồng/ năm; hơn 2300 hộ có mức thu nhập từ 500 đến dưới 01 tỷ đồng/năm và khoảng 41 hộ có mức thu nhập trên 01 tỷ đồng/năm.

Đây hầu hết là nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao, đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số trong sản xuất, góp phần tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Sỹ Thắng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm