Bình Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao

Dựa trên lợi thế và tiềm năng sẵn có, UBND tỉnh Bình Định đã định hướng chiến lược phát triển trồng rừng gỗ lớn kết hợp với tổ chức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư... nhằm đạt mục tiêu giúp tỉnh trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định từ gỗ rừng trồng. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 10.000 ha diện tích rừng trồng cây gỗ lớn tập trung, gần 16.000 ha diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng và đến năm 2030, diện tích rừng trồng cây gỗ lớn tập trung đạt trên 50.000 ha, tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt trên 60%.

Với diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp lên tới hơn 415.000 ha (rừng tự nhiên 215.000 ha, rừng trồng 167.000 ha, đất chưa có rừng 65.000 ha); độ che phủ rừng hơn 57% - nằm trong nhóm khá tốt so với các tỉnh duyên hải từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; gần 10.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn và gần 15.000 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)... Tỉnh Bình Định tin tưởng có đầy đủ cơ sở để thực hiện Đề án này một cách hiệu quả.

Cùng với phát triển rừng trồng gỗ lớn, Bình Định còn được biết đến là một trong những địa phương có hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước, là một trong các trung tâm phát triển các cụm liên kết ngành về chế biến gỗ và lâm sản. Tỉnh có số lượng nhà máy chế biến gỗ khá lớn, tập trung ở KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ với khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này; trong đó, có 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Đồng thời, nguồn nhân lực dành cho ngành chế biến gỗ khá dồi dào, đa số là công nhân có tay nghề cao. Sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác như dăm mảnh, viên nén. Thị trường tiêu thụ chính bao gồm: Mỹ, EU, Anh, Úc, Nhật Bản...; trong đó, một số nhóm hàng có giá trị kim ngạch lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành gỗ trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, thông tin để nâng cao năng lực chế biến gỗ, thời gian qua, tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp cận và áp dụng công nghệ chế biến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO; thực hiện quy trình quản lý Chuỗi hành trình FSC-CoC, chứng chỉ VFTN... đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt, chất lượng đồng bộ, thời gian giao hàng nhanh, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, phong phú.

Cùng với đó, sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Hoa Kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã phát huy được hiệu quả, làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng liên kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định cũng đã đi vào hoạt động; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế góp phần tăng cường hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

"Tỉnh Bình Định mong muốn các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại vào tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, với định hướng phát triển đến năm 2030, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Định là gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1 tỷ USD. Tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tích cực nhất để các đối tác, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh được thuận lợi, hiệu quả tại địa phương"- ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chủ lực trong nền kinh tế của Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành chế biến gỗ đã đạt được những thành tựu to lớn cả về số lượng, chất lượng doanh nghiệp, về kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ hai châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Ghi dấu ấn từ các sản phẩm nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến, xây dựng đến sản phẩm có tính hoàn thiện cao, thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt đã được mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú, đánh giá với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu, hạ tầng giao thông, lực lượng lao động và định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Bình Định đã thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ quy mô lớn, đưa Bình Định trở thành một trong 4 trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước (chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của Bình Định). Đặc biệt, Bình Định ngày càng khẳng định ưu thế về các mặt hàng gỗ kỹ thuật, đồ gỗ ngoại thất trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Cục trưởng Vũ Bá Phú cho hay, theo một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường đồ gỗ nội ngoại thất sẽ đạt ngưỡng 644 tỷ USD vào năm 2030 và với tốc độ tăng trưởng kép là 5,7% giai đoạn 2022-2030. Đây được coi là động lực để ngành gỗ tiếp tục khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, có chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn, tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm thế mạnh tại các thị trường truyền thống.

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm