Nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer về bình đẳng giới đã có nhiều thay đổi tích cực. |
Thời gian qua, công tác tuyên truyền các kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền xã Hỏa Lựu quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, các cặp vợ chồng đã có ý thức trách nhiệm hơn trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như: quyền quyết định số con, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái… trên cơ sở chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo sự đồng thuận. Chính sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của cả vợ và chồng đã giúp cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, các chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer còn được tiếp cận một số chương trình y tế, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, các mô hình hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm… góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất lẫn tinh thần. Hiện nay, gia đình anh Danh Chủ và chị Lâm Thị Hạnh, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, không chỉ chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước, mà còn rất chú trọng xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Hạnh chia sẻ: “Trong quan hệ gia đình, điều quan trọng là phải tôn trọng lẫn nhau. Do đó, mỗi khi quyết định bất cứ việc gì, vợ chồng tôi cũng bàn bạc kỹ lưỡng rồi đi đến quyết định thống nhất. Có như vậy, dù thành công hay thất bại chúng tôi cũng vui lòng”. Hiện nay, chị Hạnh ở nhà lo chuyện nội trợ, còn anh Chủ thì lo chuyện đồng áng ruộng nương. “Tuy công việc ruộng nương vất vả nhưng có thời gian là chồng tôi lại phụ giúp tôi công việc nhà, nhất là chỉ dạy con cái học hành”, chị Hạnh cho biết thêm. Nhờ biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau nên không khí gia đình anh Chủ, chị Hạnh luôn vui vẻ, đầm ấm hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười. Còn gia đình chị Sơn Thị Thanh Na, ngụ cùng ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, cũng quyết tâm dừng lại ở hai con, mặc dù cả hai đều là gái. Chị Na bộc bạch: “Dù rất muốn sinh thêm đứa con trai để “có nếp, có tẻ” với mọi người, nhưng tôi nhận thấy nếu sinh đông con thì đời sống kinh tế sẽ ngày càng eo hẹp. Khi đó, con cái không được học hành đàng hoàng sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này. Do đó, vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm, để có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn”. Còn chồng chị, anh Danh Trần Lĩnh thì cho rằng, con trai hay con gái cũng quan trọng như nhau, chỉ cần con cái chăm ngoan, lễ phép là đủ. Nhìn chung, hiện nay nhận thức của các gia đình đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã về bình đẳng giới có nhiều thay đổi. Vợ chồng đã biết chia sẻ công việc gia đình cho nhau, tư tưởng “chồng chúa vợ tôi”, hay “trọng nam khinh nữ” dần được hạn chế. Chính vì vậy, tình trạng đánh đập vợ con đã hạn chế rất nhiều và trong nhiều năm liền, xã không có trường hợp hộ Khmer nào sinh con thứ 3. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình để tiếp tục nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer. Đồng thời, nêu gương các gia đình dân tộc Khmer thực hiện tốt công tác bình đẳng giới để mọi người học hỏi, noi theo. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tiếp cận các dịch vụ, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân”. Trên cơ sở đó, nhằm giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về bình đẳng giới, thời gian tới, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, UBND xã Hỏa Lựu tổ chức ra mắt mô hình Câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”. Hoạt động của mô hình sẽ góp phần đưa kiến thức bình đẳng giới đến gần hơn với người dân hơn, qua đó, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực xảy ra.
Bình đẳng giới là các thành viên trong gia đình có sự bình đẳng với nhau. Cụ thể, mọi công việc đều được các thành viên, trước hết là vợ và chồng cùng nhau chia sẻ, bàn bạc, quyết định và thực hiện.
|
Báo Hậu Giang