Bỉ xác định được loại thuốc ngăn ngừa ung thư vú di căn và tái phát

Bỉ xác định được loại thuốc ngăn ngừa ung thư vú di căn và tái phát

Các nhà nghiên cứu của Đại học UCLouvain ở Bỉ đã xác định được một loại thuốc hiệu quả chống nguy cơ tái phát và di căn của bệnh ung thư vú. Kết quả đầy hứa hẹn trên những con chuột được cấy tế bào ung thư vú ở người. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học thành công trong việc xác định được một loại thuốc điều trị hiệu quả ung thư vú ở người.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, kết quả được công bố trên Tạp chí Cancers hôm 15/3 cho thấy các nhà nghiên cứu đã xác định được một loại thuốc, ban đầu được phát triển để điều trị các bệnh khác ngoài ung thư, có khả năng ngăn chặn sự xuất hiện của di căn trong 80% trường hợp và tái phát cục bộ của ung thư vú trong 75% trường hợp ung thư vú người ở chuột.

Theo Giáo sư Pierre Sonveaux thuộc Viện nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng của UCLouvain - tác giả của nghiên cứu trên, yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa khối u lành tính và khối u ác tính là khả năng di căn của khối u sau này lên não, xương… Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư, có hai nguyên nhân chính gây tử vong là: tái phát tại chỗ, thường kháng lại các phương pháp điều trị lâm sàng thông thường; và di căn khiến ung thư phát triển.
Trong vô số bệnh ung thư hiện nay, một số sẽ trở nên di căn dù có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị..., thậm chí ngay cả trong trường hợp được chẩn đoán sớm. Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Bỉ là trường hợp ung thư vú âm tính ba lần, chiếm 1.000 trường hợp mỗi năm ở nước này, hoặc 10% đến 15% trong tất cả các trường hợp ung thư vú. Trong một nửa số trường hợp, phụ nữ mắc loại ung thư này sẽ thực sự tái phát và di căn trong hoặc sau quá trình điều trị. Đây là lý do khiến nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sonveaux đặc biệt quan tâm đến căn bệnh ung thư này. Hiện tại, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn chặn sự xuất hiện của di căn hoặc tái phát, dù một bệnh nhân được coi là chữa khỏi khi không xuất hiện tình trạng tái phát trong 5 năm. Giáo sư Sonveaux cho biết theo định nghĩa, ngăn ngừa tái phát là chữa khỏi bệnh.

Loại thuốc mới, có tên là MitoQ, đang ở trong quá trình nghiên cứu giai đoạn 2 đối với các bệnh Parkinson, Alzheimer và viêm gan C. Giáo sư Sonveaux giải thích: “Thực thể mà chúng tôi nhắm đến trong bệnh ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh này giống nhau. Sự khác biệt là ở bệnh ung thư, phân tử này được sản xuất với liều lượng trung bình để thúc đẩy di căn và tái phát, trong khi trong các bệnh thoái hóa thần kinh, nó được sản xuất với số lượng lớn, gây chết tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh. Do đó, chúng tôi có cùng một mục tiêu, cùng một loại thuốc, nhưng nhắm đến những quá trình khác nhau: một mặt ngăn chặn nguy cơ di căn và tái phát, mặt khác là ngăn chặn tình trạng giết chết tế bào”.

MitoQ hoạt động rất hiệu quả trên những con chuột bị ung thư vú rất nặng được điều trị như con người, bằng sự kết hợp của phẫu thuật và hóa trị. Ngoài ra, phân tử này đã vượt qua thành công giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất - bao gồm việc quản lý phân tử ở người để kiểm tra độc tính, trong trường hợp này được chứng minh là rất nhẹ vì nó chỉ gây buồn nôn và nôn, tác dụng phụ duy nhất được quan sát cho đến nay ở liều lượng cần thiết để điều trị bệnh ung thư.

Sau khi chứng minh rằng loại thuốc MitoQ có hiệu quả trong điều trị các bệnh ung thư nguy hiểm của người ở chuột, bước tiếp theo sẽ là chuyển từ chuột sang người. Theo Giáo sư Sonveaux, một quá trình chuyển đổi có thể diễn ra nhanh chóng. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đã chứng minh rằng MitoQ tương thích với tất cả các liệu pháp hóa học hiện được sử dụng cho bệnh ung thư vú. Không có tương tác thuốc nào là tuyệt vời, vì vậy, chúng tôi sẽ sớm điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện theo cách tương tự bằng cách thêm hoặc không, cho một nhánh khác của nghiên cứu về loại thuốc này, để xem liệu nó có hay không tác dụng ngăn ngừa tình trạng di căn và tái phát”.

Nghiên cứu giai đoạn 2 đối với MitoQ sẽ diễn ra ở Bỉ, bao gồm khoảng 20 bệnh nhân đã được nhóm nghiên cứu xác định. Kết quả nghiên cứu sẽ được đưa ra trong vòng tối đa một đến hai năm. Sau đó, chúng ta sẽ biết được tỷ lệ phần trăm bệnh nhân ung thư đáp ứng với liệu pháp điều trị, liều lượng chính xác hơn, chế độ sử dụng thuốc lý tưởng…

Về khả năng loại thuốc này có thể chứng minh được hiệu quả chống lại các bệnh ung thư di căn ngoài ung thư vú hay không, một nghiên cứu khác đối với MitoQ đang được tiến hành đối với bệnh ung thư tuyến tụy và dường như cũng mang lại hy vọng. Giáo sư Sonveaux cho biết: “Đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, chúng tôi mong đợi cơ chế giống nhau, nhưng chúng tôi vẫn phải hoàn thiện phần chứng minh cuối cùng”.


Hương Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm