Bệnh tiểu đường - “tác dụng phụ” của COVID-19 tại Mexico

Bệnh tiểu đường - “tác dụng phụ” của COVID-19 tại Mexico

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Liên đoàn Đái tháo đường nước này mới đây cảnh báo về tác động của đại dịch COVID-19 đối với số ca mắc bệnh tiểu đường tại quốc gia này. Nguyên nhân là đại dịch đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống và thói quen vận động của người dân.

Theo tổ chức trên, cứ 6 người dân Mexico lại có 1 người mắc bệnh đái tháo đường, tương đương mức tăng 10% trong vòng 2 năm qua. Chủ tịch Liên đoàn, ông Josafat Camacho, nhấn mạnh Mexico là một trong những nước có số ca mắc bệnh tiểu đường cao nhất, với hơn 14 triệu người. Đáng lo ngại hơn là một nửa trong số này không được chẩn đoán hoặc không được điều trị đúng cách, khiến người bệnh bị biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ nội tiết nhi Luis López, nguyên nhân của tình trạng này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có đô thị hóa, già hóa dân số, mức độ hoạt động thể chất giảm và tỷ lệ thừa cân và béo phì gia tăng. Chuyên gia này nhấn mạnh các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa COVID-19 lây lan đã làm giảm 30% hoạt động thể chất ở trẻ em, dẫn đến tỉ lệ béo phì gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn như trầm cảm, lo âu trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch khiến trẻ em và giới trẻ ăn nhiều hơn và ít lành mạnh hơn, kéo theo đó là sự gia tăng các trường hợp đái tháo đường týp 2 liên quan đến béo phì ở người trẻ.

Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế dự báo đến năm 2030 trên toàn thế giới sẽ có ít nhất 630 triệu người mắc phải căn bệnh này. Trong 2 năm gần đây, số người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường trên thế giới đã tăng 16%.

Hồng Hạnh

TTXVN

Có thể bạn quan tâm