Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (Đề án) được bàn thảo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.Ảnh : Nguyễn Văn Điệp |
Trao đổi bên lề Quốc hội phiên sáng 1/11, đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) đánh giá, mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm nhưng các chính sách về dân tộc trong thời gian qua còn chưa phát huy hết hiệu quả như kỳ vọng. Là đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, bà Đinh Thị Bình đánh giá, Đề án cho thấy sự thay đổi tư duy về chính sách; đồng thời hy vọng khi được thông qua và thực hiện, Đề án sẽ tạo những bước chuyển biến tích cực. Góp ý kiến về Đề án, đại biểu Đinh Thị Bình cho rằng, ngoài các nhóm chính sách trong Đề án, Chính phủ cần quan tâm vấn đề tích hợp các chính sách để tránh tình trạng dàn trải, manh mún, không phát huy được hiệu quả đầu tư. "Vấn đề là tích hợp như thế nào" - đại điểu đặt câu hỏi, đồng thời đề xuất: "Tích hợp là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó phải phân tách được nguồn lực, các đối tượng, chứ không phải tích hợp một cách cơ học. Chúng ta cần nghiên cứu các vấn đề cần ưu tiên đầu tư trước để phân tách giai đoạn cho phù hợp".
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Đinh Thị Bình phát biểu. Ảnh: Văn điệp - TTXVN |
Theo đại biểu, Đề án lần này trước hết cần tập trung vào phát triển kinh tế, tạo sinh kế. Vì nếu không nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, các vấn đề về văn hóa, xã hội, bảo vệ rừng sẽ khó giải quyết. Nội dung cần ưu tiên tiếp theo là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đại biểu đưa ra so sánh: "Chúng ta ban hành cơ chế, chính sách giống như tạo ra những "cần câu"; thúc đẩy môi trường sản xuất, đầu tư, kinh doanh là tạo ra "hồ câu, con cá"; nhưng nếu chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc - nghĩa là người cầm "cần câu" - không biết cách câu, chính sách rất khó đi vào cuộc sống". Theo đại biểu, vấn đề bất cập hiện nay là chất lượng đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, chưa dựa trên nhu cầu thực tế của đồng bào từng dân tộc, vùng miền. "Con số báo cáo 6,2% đồng bào dân tộc được qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo như nào vẫn chưa có đánh giá" - đại biểu nói, đồng thời kiến nghị cần giải pháp thực tiễn hơn cho vấn đề này. Cũng theo đại biểu, chính sách cho đồng bào dân tộc có một đặc trưng là cần giữ gìn bản sắc văn hóa mỗi dân tộc. Thực tế thời gian qua, nhiều nét văn hóa bị mai một. Do đó, đại biểu hy vọng Đề án được thông qua và triển khai sẽ tập trung khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào.Ưu tiên đầu tư cho tạo sinh kế Đánh giá các chính sách dân tộc hiện nay còn thiếu đồng bộ, đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng, Đề án trình Quốc hội thông qua lần này là rất trúng, đúng. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, khi Đề án được thông qua, Chính phủ cần rà soát tổng thể các chính sách về dân tộc. "Theo tôi được biết, hiện có khoảng 118 loại chính sách nhưng còn thiếu đồng bộ. Do đó, chúng ta cần rà soát, chính sách nào không còn phù hợp nên bỏ, để tránh việc trùng lặp, lúng túng trong triển khai chính sách, đồng thời tạo điều kiện cho tập trung nguồn lực" - đại biểu Sùng Thìn Cò kiến nghị. Cũng theo đại biểu, trong triển khai thực hiện, Đề án cần có sự phân cấp cho các địa phương để tạo điều kiện chủ động thực hiện các chính sách phù hợp với từng đặc điểm vùng miền, từng dân tộc. Bên cạnh đó, việc triển khai đề án không nên chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế mà cần quan tâm vấn đề xã hội, công tác xây dựng Đảng ở các vùng dân tộc, miền núi, biên giới... Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, Đề án hết sức cần thiết, quan trọng. Đây cũng là vấn đề rất mới được trình Quốc hội. Trước đây, đã có những văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư,... về chính sách cho đồng bào dân tộc, nhưng chưa có Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Đề án sẽ tạo nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cũng như nguồn lực xã hội hóa cho chính sách dân tộc. Theo đại biểu, khi Đề án được thông qua và triển khai thực hiện, việc quan trọng là sử dụng nguồn vốn đầu tư, nguồn lực con người và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, ưu tiên trong sử dụng nguồn vốn đầu tư nên là phát triển cơ sở hạ tầng về đường giao thông, trường học, bệnh viện, nước sạch,...; đồng thời tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất, về nguồn vốn ưu đãi, tạo sinh kế lâu dài để đảm bảo thoát nghèo bền vững. Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu vấn đề, thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn của người đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, còn có cả những tiêu cực, tham nhũng trong quản lý vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị, trong triển khai Đề án cần có giải pháp để nguồn vốn đến được trực tiếp tay người dân, đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Xuân Tùng