Mỗi lần đóng, mở cống phải thuê nhân công quay bằng tay liên tục 5-6 giờ |
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, mặn bắt đầu gay gắt và lấn sâu vào nội đồng đã khiến không ít cư dân huyện vùng ven Long Mỹ cảm thấy bất an. Vậy mà, công trình hằng mơ ước bấy lâu nay là hệ thống cống ngăn mặn trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh sau khi được đưa vào khai thác lại gián tiếp gây thêm cho họ nỗi thất vọng.
Nhiều hệ lụy
Đơn giản vì hệ thống cống đều phải vận hành theo phương thức thủ công, tức là công đoạn đóng, mở các nắp cống được thực hiện bằng cách quay tay. Điều đó không chỉ gây mất nhiều thời gian, công sức mà còn tốn thêm khoản chi phí đáng kể cho Nhà nước. Đang thả lưới bắt những con cá rô biển dưới dòng nước trong veo (báo hiệu nồng độ mặn ở mức cao - PV) trước miệng cống kênh Thanh Thủy, anh Lê Văn Vĩ, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Mỗi lần đưa lên hoặc hạ xuống phải cần đến 2 người khỏe mạnh, quay liên tục 5-6 tiếng đồng hồ mới xong. Vậy mà nhiều lúc nắp cống hạ chưa sát đáy, nước bên ngoài chảy vô ào ào nên rất khó kiểm soát mặn”.
Trên thực tế, hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A chưa được bàn giao cho địa phương quản lý. Từ đó, mỗi lần đóng, mở cống đều thông qua đơn vị chủ đầu tư dự án đê bao Long Mỹ - Vị Thanh. Anh Nguyễn Thành Lễ, cán bộ Tổ kỹ thuật xã Vĩnh Viễn A, cho hay trước khi vận hành cống, địa phương phải báo về chủ đầu tư cho phép nên mất ít nhất 2-3 ngày mới thuê được nhân công đến thực hiện. Mỗi lần đóng hoặc mở cống còn tiêu tốn thêm 400.000 đồng. “Thời gian đóng cống mất cả buổi nên nước mặn đã tràn sâu vô nội đồng hàng cây số rồi. Thế thì làm sao mà ứng phó với mặn xâm nhập bất ngờ cho được”, anh Lễ bức xúc.
Chuyện đóng cống kéo dài thời gian, chưa đảm bảo yêu cầu ngăn mặn đã đành mà việc mở cống để tháo chua, rửa phèn cho đất canh tác cũng gây ra nhiều tranh cãi. Còn nhớ hồi năm ngoái, cả trăm héc-ta lúa Hè thu muộn trên địa bàn xã vùng ven Vĩnh Viễn A bị chết yểu vì ngộ độc phèn, chủ yếu là do công tác khui đập thời vụ quá chậm chạp nên phèn không kịp thoát hết ra ngoài. Anh Lễ băn khoăn: “Nếu hệ thống cống tiếp tục đóng, mở ì ạch thế này thì vụ Hè thu muộn năm nay khó tránh khỏi tình trạng lúa chết hàng loạt, bởi người dân thường chờ mưa xuống mới gieo sạ lại. Khi ấy, phèn dưới đất xổ hết xuống kênh nội đồng, bà con tiếp tục lấy nước bơm lên ruộng nên thiệt hại là điều tất nhiên”.
Sớm khắc phục
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho rằng bước đầu các cống trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, do quy trình đóng, mở nắp cống bằng cơ quá mất thời gian nên đã gây ra nhiều bất tiện, nhất là trong công tác ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn khó lường như hiện nay. Vì thế, thay vì đóng mở theo con nước lớn, ròng trong ngày, đơn vị đã yêu cầu xã Vĩnh Viễn A cho khép kín tuyệt đối để ngăn mặn và vận động người dân chọn các tuyến kênh nội đồng khác để lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản ra ngoài sông lớn.
Không riêng gì xã Viễn Viễn A, mà những ngày gần đây, người dân vùng ven thành phố Vị Thanh cũng rất bức xúc trước tình trạng hệ thống cống ngăn mặn nằm trên địa bàn xã Hỏa Tiến vận hành ì ạch bằng cách quay tay. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra đối với đơn vị chủ đầu tư công trình đê bao Long Mỹ - Vị Thanh lúc này là cần khẩn trương lắp đặt thiết bị mô-tơ điện nhằm giúp cho các địa phương thụ hưởng dự án chủ động hơn trong công tác trữ ngọt, xả phèn, cũng như kịp thời ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo là sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt và kéo dài đến hết tháng 5 năm nay.
Theo ghi nhận, toàn tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh có 19 cống, nhưng hầu hết đều thiết kế vận hành theo phương thức thủ công. Qua kiểm tra thực tế và quá trình vận hành cống trên địa bàn thành phố Vị Thanh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh sớm trình kế hoạch lắp đặt hệ thống mô-tơ điện nhằm đảm bảo cho các cống đóng, mở dễ dàng. Đồng thời, rút kinh nghiệm và tính toán việc thiết kế xây dựng, vận hành các cống trên tuyến đê bao dài 30km còn lại cho phù hợp, tránh tình trạng bất cập như hiện nay.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang, không chỉ riêng ở tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, mà trên toàn tỉnh hiện có đến 30 cống hở được thiết kế vận hành theo phương thức quay tay. Tới đây, đơn vị sẽ từng bước xem xét và đề xuất thay đổi thiết kế vận hành bằng động cơ điện. Trước mắt, tất cả các cống có thiết kế theo phương thức quay tay trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh sẽ được lắp đặt mô-tơ điện trong thời gian sớm nhất để kịp thời phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, tháo gỡ vướng mắc cho bà con trong vùng dự án. |
Báo Hậu Giang