Nghề nuôi trồng rong nho tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch là nghề nuôi trồng chủ lực, mà chủ yếu là người dân tự phát chuyển đổi từ diện tích nuôi ốc hương, tôm, làm muối kém hiệu quả sang nên đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào thương lái nên khá bấp bênh.
Nuôi rong nho trên đất "mượn"
Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Ninh Hải đánh giá, thời gian qua từ nghề nuôi trồng rong nho đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân so với các đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập khá cao cho nhiều lao động địa phương. Có nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích nuôi ốc hương, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng rong nho.
Đến nay, xã có khoảng 27 ha, sản lượng bình quân đạt từ 1-1,5 tấn/ha. Giá bán của vụ hiện tại giao động từ 35- 40 nghìn đồng/kg rong nho thương phẩm tươi. Rong nho được xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Ông Trần Thanh Tùng cho biết, hiện toàn bộ diện tích nuôi trồng rong nho trong xã đã được nhà nước thu hồi từ năm 2009 để thực hiện dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina của Tập đoàn STX (Hàn Quốc). Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai, do vậy người dân tranh thủ mượn đất khi chưa đầu tư để nuôi trồng rong nho vì nó cho thu nhập ổn định, riêng về phần UBND xã cũng khuyến cáo người dân không nên nhân rộng ồ ạt, vì nếu nhiều quá sẽ không có đầu ra.
"Rất mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư để tránh tình trạng người dân sử dụng trên đất đã quy hoạch, dựng lều trại, lấn chiếm đất đai, ảnh hưởng công tác quản lý của nhà nước. Đồng thời, để người dân định hướng có bao nhiêu người được tạo công ăn việc làm khi có các khu công nghiệp cũng như định hướng nghề nghiệp ổn định. Chính quyền cũng khuyến cáo người dân không nên đầu tư ồ ạt vào một ngành nghề nào đó, tránh tình trạng không có đầu ra ổn định", ông Tùng trăn trở.
Tại khu vực nuôi trồng rong nho của anh Đặng Ngọc Thoại, tổ dân phố Đông Hà (Ninh Hải) có diện tích khoảng 5ha, anh Thoại cho biết vào vụ thu hoạch mỗi ngày cần trên 10 lao động để thu hái, chia tách, sàng lọc, chế biến rong nho. Với mức giá hiện tại, mỗi ha cho thu lãi từ khoảng từ 100-200 triệu đồng/năm.
" Đầu tư rong nho ban đầu chi phí không cao, lợi nhuận ổn định, người trồng rong có thu nhập hàng ngày, có nhiều lao động có công ăn việc làm ổn định. Hiện tại chúng tôi cũng đang nuôi trồng trên đất mượn và xác định là khi nào nhà nước lấy lại đất thì sẵn sàng trả lại và đi tìm chỗ khác để trồng. Chúng tôi mong muốn, nếu có khu vực trồng ổn định thì sẽ đầu tư quy mô, bài bản, chất lượng rong nho cũng sẽ tốt hơn, vì hiện tại trồng trên đất mượn nên cũng không dám đầu tư nhiều", anh Thoại chia sẻ.
Anh Thoại cũng cho biết, hiện nay ngoài tự nuôi trồng, anh còn thu mua của các hộ dân trong xã và chế biến để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và thị trường nội địa. Giá cả tùy thuộc vào thị trường và chất lượng của rong nho.
*Bấp bênh đầu ra, chất lượng…
Ông Võ Khánh Đăng, Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 20 ha của các hộ dân trước đây nuôi trồng một số loại thủy sản không đạt hiệu quả đã cải tạo để chuyển sang nuôi trồng rong nho.
Nghề này cũng đã mang lại thu nhập khá, nhưng đầu ra cũng không được ổn định, giá phụ thuộc vào thương lái. Hiện tại địa phương chưa có quy hoạch vùng trồng hay nhân rộng diện tích mà mới chỉ là nhu cầu của người dân. Việc đưa vào quy hoạch còn phải có thời gian vì chưa có mô hình và khi đưa vào quy hoạch sẽ cần có sự hỗ trợ của các ban ngành. Mặt khác, cần nguồn ngân sách để triển khai nên xã cũng còn cân nhắc, để tránh tình trạng được mùa mất giá như một số mặt hàng nông, thủy sản khác.
Trao đổi với ông Lê Bền, Phó chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, cũng là người đầu tiên đưa giống rong nho về Việt Nam năm 2004 và triển khai thí điểm đầu tiên tại phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được biết đây là ngành nghề nuôi biển có triển vọng, mang lại giá trị kinh tế.
Hiện nay, có khoảng gần 10 tỉnh ven biển đã thí điểm và phát triển giống thủy sinh này như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Phú Yên, Bình Định, mới đây là Quảng Ninh cũng đã tiếp cận.
Tuy nhiên, ông lo ngại với việc người dân thấy hiệu quả nên đổ xô trồng rong nho tại một số địa phương như hiện nay sẽ có nguy cơ sản phẩm này bị rớt giá, không đảm bảo chất lượng, kỹ thuật nuôi trồng, làm ảnh hưởng đến nghề nuôi rong.
"Nếu nhiều người dân thấy có lợi nhuận cao mà đổ xô đi trồng theo cách tự phát thì sẽ rất khó đảm bảo được chất lượng, vì rong nho yêu cầu nguồn nước phải sạch, kỹ thuật đảm bảo. Bên cạnh đó, nếu như tự phát trồng không được kiểm soát thì chỉ cần một địa phương nào đó, cơ sở nào đó trồng kém chất lượng sẽ mang tiếng lên cả ngành nghề nuôi trồng rong nho, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến ngành nghề này tại nhiều địa phương. Bởi, lúc đó người tiêu dùng không biết rong nho kém chất lượng ở đâu mà sẽ đổ đầu lên sản phẩm nói chung", ông Lê Bền phân tích.
Thanh Vân