Bài 2: Tạo “đột phá” bằng các cây công nghiệp
Do địa hình đồi núi hiểm trở, hệ thống giao thông chủ yếu là đường bộ hay ách tắc trong mùa mưa, lại cách xa các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc hàng trăm km. Vì vậy, trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên vẫn loay hoay với bài toán khó “nuôi con gì và trồng cây gì” để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ rừng bền vững.
Những bước đi phù hợp
Ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước, cây cà phê đã được trồng và đơm hoa kết quả tại cánh đồng Mường Thanh, trên vùng đất Điện Biên Phủ lịch sử. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, diện tính cây cà phê ở Điện Biên hiện vẫn lên tới gần 3.500 ha. Tiếp đó là cây cao su trên 5.000 ha. Về cây mắc ca, Công ty Cổ phần Macca (Macadamia) Điện Biên là một trong những đơn vị trực tiếp trồng thử nghiệm loại cây này. Trong năm 2012 và 2013, Công ty đã trồng thí điểm và mở rộng diện tích được trên 57 ha tại nhiều địa phương trong tỉnh. Những nông dân trực tiếp hợp tác với Công ty trồng loại cây này đã đánh giá, đây là loại cây rất phù hợp với khí hậu miền núi, ít xuất hiện sâu bệnh.
Nói đến cà phê Điện Biên, phải kể đến “thủ phủ” huyện Mường Ảng chuyên canh cây công nghiệp này. Mỗi năm, huyện xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế trung bình từ 2.500 đến 6.000 tấn cà phê, chiếm 80% tổng sản lượng cà phê được sản xuất ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đồng hành cùng đồng bào các dân tộc trong huyện trồng cây cà phê, Công ty Cà phê Việt Bắc có mặt tại Mường Ảng ngay từ những ngày đầu chia tách và thành lập huyện tháng 4/2007.
Tuy vậy, phát triển cây cà phê tại huyện Mường Ảng mới chỉ quan tâm đến vùng nguyên liệu, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chọn lựa giống, trồng, chăm sóc vườn cây, thu hoạch, chế biến, bảo quản, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa được người trồng cà phê quan tâm đúng mức. Do đó, chất lượng cà phê còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc thu hái chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Các cơ sở chế biến cà phê hiện nay trên địa bàn đều có quy mô nhỏ theo công nghệ chế biến ướt và không xử lý chất thải đúng quy trình, nhiều cơ sở chế biến chưa đầu tư máy sấy mà phơi trên nền sân bê tông.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng khẳng định: Huyện đang tập trung xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng, góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh của sản phẩm trên thị trường, sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị, uy tín của sản phẩm cà phê Mường Ảng đúng như giá trị vốn có. Phấn đấu đến hết năm 2020 huyện hình thành 4.200 ha, sản lượng bình quân 13.500 tấn cà phê trấu/năm; 75% diện tích cà phê được trồng cây che bóng, trong đó 35% diện tích được trồng các loại cây che bóng có giá trị kinh tế cao, đồng thời mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cà phê cho khoảng 1.000 nông dân/năm.
Mặt khác, huyện sẽ triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 cho 100% sản lượng cà phê; tiếp tục phổ biến bộ nguyên tắc chung 4C, bộ tiêu chuẩn UTZ cho người trồng cà phê; khoảng 70% sản lượng cà phê bán ra được giao dịch thông qua Hội Cà phê Mường Ảng; xây dựng vườn cà phê theo hướng vườn cà phê sạch khoảng 75% diện tích.
Tại Điện Biên, cây cao su đã được trồng hơn 11 năm và tập trung tại 6 vùng với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Từ năm 2017, những diện tích trồng cao su đầu tiên bắt đầu cho khai thác mủ và sản lượng liên tục tăng qua các năm. Hiện tại, 41% tổng diện tích cây cao su cho khai thác với tổng sản lượng mủ đạt gần 1.000 tấn/năm. Qua đánh giá quá trình trồng, khai thác cho thấy, cây cao su thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, năng suất mủ cao su tương đối ổn định, chất lượng mủ tốt.
Riêng Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên đang quản lý hơn 1.489 ha đất, trong đó có diện tích cao su kiến thiết cơ bản hơn 1.221 ha, diện tích tái canh không trồng được cao su hơn 261 ha, diện tích vườn ươm 4 ha. Những năm qua, Công ty đã thực hiện các hạng mục quản lý, chăm sóc vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, đảm bảo vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Hơn 202 ha vườn cây cao su trồng năm 2009 đã được vào khai thác năm 2018, năng suất bình quân đạt 615kg/ha. Công ty phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân cho người lao động lên 4,9 triệu đồng/tháng.
Mặc dù kết quả ban đầu đạt được còn khiêm tốn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ Công ty, sự hỗ trợ về nhân lực, tài lực của Công ty mẹ - Phú Riềng, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên sẽ từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, thu nhập cho cán bộ, người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mắc ca - cây công nghiệp thế mạnh
Ðầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đề nghị của UBND tỉnh Ðiện Biên về việc điều chỉnh tăng diện tích quy hoạch trồng cây mắc ca trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, Điện Biên đã xây dựng Ðề án phát triển cây mắc ca tại 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo và Ðiện Biên. Hiện một số dự án phát triển cây mắc ca đang được các nhà đầu tư triển khai thực hiện với kỳ vọng 8 - 10 năm tới, cây mắc ca sẽ trở thành cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh.
Ðề án Phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên có quy mô khoảng 26.000 ha, diện tích quy hoạch khoảng 35.000 ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm công nghệ cao thuộc Tập đoàn TH quy hoạch 6.000 ha tại các xã: Na Cô Sa, Nà Khoa, Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ). Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại và Ðầu tư Phú Thịnh quy hoạch khoảng 9.000 ha tại xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên); Nà Hỳ, Nậm Chua (huyện Nậm Pồ). Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc quy hoạch khoảng 11.000 ha tại huyện Mường Nhé. Công ty Cổ phần Macadamia đề xuất điều chỉnh thực hiện trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo với quy mô vùng quy hoạch khoảng 4.000 ha.
Hiện Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé của Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đang được triển khai khá thuận lợi trên địa bàn 6 xã: Sen Thượng, Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Vì. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.238 tỷ đồng, năm 2019 triển khai trồng 5.000 ha thuộc 7 dòng khác nhau.
Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Ðến thời điểm này, Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đã trồng được 1.000 ha cây mắc ca tại xã Sen Thượng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm cao của nhà đầu tư và sự đồng thuận của người dân, huyện đang rất tin tưởng vào sự thành công của dự án.
Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé được triển khai theo hình thức doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án. Ðối với đất trống thuộc quy hoạch rừng sản xuất do UBND xã đang quản lý, thực hiện thu hồi giao cho doanh nghiệp thuê theo quy định. Đối với đất sản xuất lâm nghiệp người dân đang canh tác lương thực sẽ được đo đạc quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng nhưng tối đa không quá 5ha/hộ. Người dân sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tùy điều kiện cho doanh nghiệp thuê theo mức 4 triệu đồng/ha/năm; từ năm thứ 6 trở đi doanh nghiệp trả thêm cho người dân 4 triệu đồng/ha/năm; sau 5 năm nếu có trượt giá, sẽ điều chỉnh 5-10% giá trị. Như vậy từ năm thứ 6 trở đi, tổng giá trị doanh nghiệp trả cho người dân góp đất dự án 8 triệu đồng/ha/năm.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1ha trồng được khoảng 280 cây mắc ca, sau 3 năm trồng cây cho quả bói và cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 5 trở đi. Một ha mắc ca năng suất thấp nhất ở năm thứ 5 sẽ thu hoạch được khoảng 1 tấn quả, với giá bán trung bình 120.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha. Càng về sau, năng suất thu hoạch quả càng tăng lên và có thể đạt 3 tấn quả/ha. Vòng đời của cây lên tới 80 năm. Ðối với người dân vùng Dự án, bên cạnh việc cho doanh nghiệp thuê đất thì phía Công ty sẽ đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để các hộ dân có thể trồng, chăm sóc thêm diện tích 1-2 ha cây mắc ca/hộ theo hình thức tiểu điền và Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ quả sau thu hoạch.
Đặc biệt, Dự án trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng Nhà máy chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên) cũng đang được Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thương mại và Ðầu tư Phú Thịnh triển khai thực hiện. Quy mô Dự án gồm trồng 3.508,6 ha mắc ca (trên đất không có rừng); trồng dược liệu xen với cây mắc ca; trồng bổ sung làm giàu rừng 1.041,3 ha. Sau giai đoạn kiến thiết, Dự án sẽ cung cấp các sản phẩm như hạt sấy có khía bóc 10.000 tấn/năm; sản phẩm tẩm mật ong, sô cô la 10.000 tấn/năm; tinh bột nghệ sạch 50.000 tấn/năm; viên nang 50.000 tấn/năm. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2022 với tổng mức đầu tư 1.465,2 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án tại địa phương là Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Ðiện Biên để triển khai thực hiện, đã phối hợp với UBND xã Phu Luông triển khai thực hiện dự án trên địa bàn 6 bản: Bản Xôm, Na Há, Pá Chả, Hổi Cảnh, Lọng Ngua, C5. Trong quá trình triển khai, cơ bản người dân đều đồng thuận, kết hợp với nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Dự án trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông sẽ hoàn thành đúng kế hoạch và thành công theo những tính toán của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã biên giới phía Nam của huyện Ðiện Biên, người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững./. (Hết)
Văn Hào