Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài Chòi xứ Huế

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài Chòi xứ Huế
Bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chung của 9 tỉnh Trung Bộ. Ảnh: TTXVN
Bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chung của 9 tỉnh Trung Bộ. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu cụ thể của Thừa Thiên - Huế ở giai đoạn này là: Nghiên cứu, hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; ban hành một số cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi, đặc biệt đưa di sản Bài Chòi vào giới thiệu tại trường học. Tỉnh duy trì hoạt động các Câu lạc bộ Bài Chòi hiện đang sinh hoạt tại các huyện, thị xã và thành phố Huế; đồng thời thành lập mới hình thức này tại các địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước; gắn sinh hoạt của các Câu lạc bộ Bài Chòi với du lịch. Tỉnh tổ chức trình diễn nghệ thuật Bài Chòi vào các chương trình Festival Huế, Festival làng truyền thống Huế và ngày lễ, Tết để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước loại hình văn hóa độc đáo này.

Các ngành chức năng trong tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các diễn viên, nghệ nhân về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu về di sản nghệ thuật Bài Chòi. Cùng với đó xem xét đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân có nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Bài chòi vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chung của 9 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa). Tại Thừa Thiên - Huế, hình thức diễn xướng này tồn tại ở nhiều địa phương. Nổi bật là thú chơi Bài Chòi của người dân ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.

Theo các nhà nghiên cứu, Bài Chòi xuất hiện ở Thủy Thanh vào khoảng giữa thế kỷ 19, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất của cộng đồng dân cư. Đây không chỉ là trò chơi dân gian thuần túy mà đã trở thành một hoạt động văn hóa đặc trưng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương trong các dịp lễ, tết. Theo nghệ nhân Trần Duy Đối, người có hơn 50 năm gắn bó với "nghề" hò Bài Chòi thì trước đây, Hội Bài Chòi thường được tổ chức ở trước sân đình hay nơi họp chợ. Mỗi lần có hội Bài Chòi thì hầu hết người dân trong làng từ các em nhỏ, các cô cậu thanh niên cho đến các bà, các cụ đều háo hức tham gia.

Hội Bài Chòi ở Thủy Thanh ngày nay thường được bắt đầu từ ngày Mồng 1 Tết hàng năm. Người chơi bài được ngồi trong các chòi dựng bằng tre, lợp tranh, gồm 10 chòi được đặt ở hai bên và một chòi trung ương được đặt ở giữa, phía trên cùng là bàn điều khiển. Mỗi hội bài được chia thành 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài, kết thúc mỗi ván người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình và nhận số tiền thưởng tượng trưng.

Nét độc đáo của Hội Bài Chòi chính là những câu rao (dẫn), trong đó ngoài những câu được truyền khẩu, phần lớn đều do người rao tự phóng tác, ứng tác, như: "Ra đi mạ có dặn rồi/Khi mô em khóc thì đưa qua bác bồng” (con Bồng); "Trách duyên trách số trách phận của mình/Răng không thành đôi bạn, chao ôi cái số chi mình mà xác xơ" (con Xơ); "Ai về sở thú mà coi/Hươu nai chồn thỏ có con voi một ngà" (con Voi)…

Khác với Bài Chòi ở các địa phương khác, Bài Chòi ở Thủy Thanh (Thừa Thiên - Huế) không đặt nặng tính sân khấu hóa, nhưng vẫn giữ được yếu tố nghệ thuật đặc sắc, riêng biệt. Bài Chòi ở Thủy Thanh là một sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo, vừa mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng cư dân bản địa, vừa in đậm bản sắc văn hóa của vùng miền. Vì vậy, với người dân Cầu ngói Thanh Toàn (Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy), Bài Chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày lễ, tết, các dịp Festival Huế.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi ở Thừa Thiên - Huế không chỉ góp phần gìn giữ một sản phẩm văn hóa dân gian truyền thống, đó còn là bước đi lâu dài để thúc đẩy ngành du lịch của địa phương này ngày càng phát triển, để Bài Chòi xứng đáng là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO tôn vinh.
Quốc Việt 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm