Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử tại Kon Tum

Toàn cảnh xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei hôm nay. Ảnh: Anh Thành Đạt - TTXVN
Toàn cảnh xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei hôm nay. Ảnh: Anh Thành Đạt - TTXVN

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, hiện nay, địa bàn tỉnh có 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam - thắng cảnh đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Tỉnh Kon Tum đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị của các khu di tích lịch sử, từng bước tiến hành số hóa dữ liệu về di tích.

Nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn

Kon Tum có 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam - thắng cảnh, trong đó có 18 di tích đã và đang được đầu tư phục dựng, tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trùng tu, tôn tạo trên địa bàn từ năm 2012 đến nay trên 156 tỷ đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu, biên tập, xuất bản nhiều ấn phẩm giới thiệu các di tích; phối hợp với các ngành chức năng, chủ động xây dựng các đề án, tuyến, tour du lịch gắn với các địa danh di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng trên địa bàn.

Khu Di tích lịch sử quốc gia Ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei) với ba công trình gồm: Khu đồn canh gác, Khu “Căng an trí” và Khu nhà Ngục, mỗi năm đón từ 300-500 khách du lịch đến tham quan. Được Pháp xây dựng năm 1932, đây là nơi giam giữ các chiến sỹ cách mạng Việt Nam giai đoạn 1932-1945. Năm 2015, UBND huyện Đăk Glei đã đầu tư 34,5 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei. Đồng thời, huyện xây dựng đề án phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2025, đưa Khu Di tích này trở thành một trong những điểm đến trong tuyến du lịch Kon Tum - Đà Nẵng.

Dù đã có nhiều cố gắng và nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử song đến nay, hầu hết các huyện thành phố đều gặp khó khăn trong việc đưa di tích trở thành điểm đến trong các tour tuyến du lịch. Nguyên nhân bởi sự thiếu hụt cán bộ chuyên trách về di sản văn hóa, cũng như những tác động từ thiên nhiên và con người.

Ông Lê Đức Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết: địa bàn có ba khu di tích lịch sử là Khu Di tích lịch sử quốc gia Ngục Đăk Glei, Di tích lịch sử làng kháng chiến Xốp Dùi và Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pét. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, do tác động của thiên nhiên và con người, các di tích này hiện nay bị xuống cấp. Địa phương đã khoanh vùng bảo vệ di tích song do khó khăn về kinh phí nên đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm Khu di tích để sản xuất. Cùng với đó, công tác sưu tầm các hiện vật liên quan đến di tích vẫn chưa thực hiện được do khó khăn về con người và kinh phí.

Giữa tháng 8/2020, các cơ quan báo chí cũng phản ánh về tình trạng Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là Địa điểm chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) bị người dân địa phương lấn chiếm để trông sắn (mì) tại Khu căn cứ E42 và sân bay L19. UBND huyện Đăk Tô đã có nhiều văn bản xử lý các trường hợp sử dụng đất tại Khu Di tích nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa được thực hiện triệt để. UBND huyện Đăk Tô cho biết, sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện chú trọng xây dựng phương án xử lý các xâm phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của Di tích.

Số hóa để phát triển

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác truyền thông, thuyết minh truyền thống và bắt nhịp với hoạt động du lịch thông minh, năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch số hóa số liệu các di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, việc gắn mã QR Code tại 26 điểm tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hoàn tất. Chỉ cần quét qua mã này, toàn bộ thông tin về di tích sẽ hiện lên trên màn hình điện thoại thông minh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người dân cũng như du khách.

Bà Phan Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết: Trong đợt số hóa di tích này, thành phố có 5 di tích lịch sử văn hóa được gắn mã QR Code gồm: Di tích lịch sử - văn hóa Đình Trung Lương, Di tích lịch sử - văn hóa Đình Võ Lâm, Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Tổ Đình Bác Ái, Di tích lịch sử văn hóa Chùa Trung Khánh và Di tích căn cứ Trung Tín. Qua đó, giúp địa phương thuận lợi hơn trong quá trình khai thác di tích lịch sử, văn hóa, thúc đẩy du lịch phát triển.

“Việc số hóa di tích đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng nhu cầu hoạt động về văn hóa, khai thác thông tin dữ liệu của người dân, nhà nghiên cứu, du khách. Sau khi được số hóa, các dữ liệu của di tích được công khai trên hệ thống thông tin, đáp ứng được yêu cầu quản lý của nhà nước, nhu cầu khám phá của các tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật, đồng thời tạo thành các sản phẩm du lịch trong quá trình khai thác và phát huy tiềm năng du lịch của địa phương”, bà Phan Thị Thu Hà phân tích.

Theo đánh giá, chi phí cho việc số hóa di tích thấp hơn nhiều so với các hình thức bảo tồn khác. Đồng thời, hình thức này cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, thuận lợi cho việc quảng bá. Qua quá trình sử dụng, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon tum đều đánh giá cao việc số hóa di tích lịch sử văn hóa.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Việc hình thành dữ liệu số hóa về di tích lịch sử, văn hóa sẽ làm thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản, quảng bá về di sản trên môi trường số. Trước mắt, để người dân tại các địa phương biết về những tiện ích này, ngành Văn hóa tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu.

“Sau khi hoàn thiện số hóa các di tích trên địa bàn toàn tỉnh, Sở sẽ tiến hành phổ biến tuyên truyền và hướng dẫn đến UBND các huyện, thành phố, các tầng lớp nhân dân về việc tra cứu ứng dụng và truy xuất thông tin. Qua đó, phát huy hiệu quả số hóa số liệu về di tích, quảng bá giới thiệu cho người dân, du khách trong và ngoài nước về các di tích của tỉnh Kon Tum. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường thực hiện chỉ đạo của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời tiếp tục triển khai ban hành quy chế bảo vệ, phát huy các di tích”, ông Phan Văn Hoàng khẳng định.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm