Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống: Cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân ở Kon Tum

Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ (áo đỏ, sinh năm 1945, già làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) được phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2015 nhưng không nhận được mức hỗ trợ hàng tháng. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ (áo đỏ, sinh năm 1945, già làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) được phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2015 nhưng không nhận được mức hỗ trợ hàng tháng. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tại Kon Tum, 71 Nghệ nhân Ưu tú đã được Chủ tịch nước phong tặng thuộc các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian và lễ hội truyền thống. Nhưng chỉ có 41 Nghệ nhân Ưu tú đã được xét hỗ trợ theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ; những Nghệ nhân Ưu tú còn lại không được nhận hỗ trợ. Trong bối cảnh các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi, thu nhập bấp bênh, việc không được hỗ trợ theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP khiến nhiều Nghệ nhân Ưu tú gặp khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng chính là "nỗi buồn" của các Nghệ nhân Ưu tú – những người đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Nghệ nhân "trải lòng"

Nghệ nhân Ưu tú A Lễ (sinh năm 1956, làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được Chủ tịch nước phong tặng năm 2019 thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Bên cạnh có thể chơi thuần thục các loại nhạc cụ như cồng, chiêng, trống…, thổi tà vẩu chính là môn nghệ thuật trình diễn làm nên tên tuổi của Nghệ nhân Ưu tú người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng). Hiện nay, cộng đồng người Mơ Nâm làng Kon Chênh chỉ còn 3 người biết trình diễn thổi tà vẩu.

Tuy nhiên, theo già A Lễ, ngoài khoản tiền 13 triệu nhận kèm cùng với danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, ông không được nhận thêm một khoản hỗ trợ nào. Điều khiến ông băn khoăn hơn là trong làng có 3 Nghệ nhân Ưu tú, có hai nghệ nhân được nhận hỗ trợ hàng tháng là già A Nuông và già A In, cùng với mức nhận 800.000 đồng/tháng.

"Tôi năm nay cũng có tuổi rồi, không còn tham gia lao động, sản xuất được như trước nữa, nên không có nhiều thu nhập. Bây giờ, tôi chỉ trông chờ vào việc dạy thổi tà vẩu cho các học viên ở xã Măng Cành và các xã lân cận để có nguồn tài chính trang trải cuộc sống. Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Nếu không có hỗ trợ bằng tiền, tôi cũng mong muốn có được thẻ Bảo hiểm y tế để đỡ phần nào kinh phí mỗi khi khám, chữa bệnh", Nghệ nhân Ưu tú A Lễ bộc bạch.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống: Cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân ở Kon Tum ảnh 1

Nghệ nhân ưu tú A Lễ (sinh năm 1956, làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2018 nhưng không nhận được mức hỗ trợ hàng tháng. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Giống như già A Lễ, Nghệ nhân A Brol Vẽ (sinh năm 1945, già làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 cùng số tiền hỗ trợ một lần. Sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, già A Brol Vẽ là "hạt nhân" trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của người Giẻ Triêng tại huyện Ngọc Hồi. Thông qua việc đón du khách đến tham quan, trải nghiệm Làng văn hóa Đắk Răng, già A Brol Vẽ đã quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc,… qua đó góp phần giúp ông có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.

Không thuộc diện được hỗ trợ hàng tháng theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, bên cạnh tham gia trình diễn tại các lễ hội, già A Brol Vẽ còn tự làm các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như Khèn, Đoar, Pin, Đôl Đô,… để bán cho du khách làm quà lưu niệm. Nhờ vậy, ở tuổi "xế chiều", vợ chồng ông vẫn ổn định được cuộc sống. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động du lịch bị đình trệ, già A Brol Vẽ đã không thể có nguồn thu nhập như trước.

"Nhớ nghề, già vẫn vào rừng tìm nguyên vật liệu để làm ra những loại nhạc cụ, chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để có thể "làm" du lịch như trước. Bên cạnh đó, cũng mong mỏi có được chính sách hỗ trợ, vì tuổi đã cao, chẳng biết còn có thể trình diễn nghệ thuật và làm nhạc cụ được đến bao giờ nữa", Nghệ nhân A Brol Vẽ trải lòng.

Cần có chính sách hỗ trợ Nghệ nhân Ưu tú

Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, qua quá trình rà soát, trong số 71 Nghệ nhân Ưu tú của tỉnh đã được Chủ tịch nước phong tặng, có 41 nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn nên được nhận chế độ đãi ngộ theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP. 30 nghệ nhân còn lại không được nhận chế độ đãi ngộ là do 15 nghệ nhân có mức thu nhập cao hơn mức lương cơ bản không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp hằng tháng, 9 nghệ nhân đã qua đời, 3 nghệ nhân chưa đủ tuổi và 3 nghệ nhân đang hưởng các chính sách khác.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum thông tin thêm, việc xác định đối tượng được hưởng chế độ đãi ngộ theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP được Sở rà soát kỹ lưỡng, dựa trên thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của hộ gia đình được tính theo tổng thu nhập trong 12 tháng qua của hộ gia đình chia cho tất cả các thành viên của hộ gia đình. Khi mức lương cơ sở thay đổi, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của hộ gia đình được áp dụng theo mức lương cơ sở thay đổi.

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, chiếu theo điểm a,b,c khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ có những Nghệ nhân Ưu tú đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định mới được hưởng chính sách đãi ngộ. Điều này có nghĩa các nghệ nhân không còn sức khỏe để tham gia công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống được hưởng chế độ đãi ngộ; những nghệ nhân khỏe mạnh không được hưởng.

"Nếu các nghệ nhân không nhận được hỗ trợ theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, họ không còn mặn mà trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc", ông Phan Văn Hoàng phân tích.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống: Cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân ở Kon Tum ảnh 2Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ (áo đỏ, sinh năm 1945, già làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) được phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2015 nhưng không nhận được mức hỗ trợ hàng tháng. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, để thực hiện chính sách cho các Nghệ nhân Ưu tú được phổ biến, rộng rãi hơn, góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, Sở đã có đề xuất, kiến nghị với các cấp, bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu tham mưu Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số quy định liên quan công tác đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Hiện, nội dung này đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ cho Cục Di sản Văn hóa.

"Sở cũng kiến nghị, đề xuất Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu chính phủ ban hành văn bản quy định định mức chi tiết về chế độ đãi ngộ đối với các chủ thể văn hóa tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, cho các nghệ nhân dân gian chưa được phong tặng danh hiệu nói riêng, nhằm đảm bảo quyền lợi, kịp thời động viên khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc", ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, các Nghệ nhân Ưu tú nói riêng, các nghệ nhân văn hóa, nghệ thuật truyền thống nói riêng tại tỉnh Kon Tum như một "kho tàng sống" trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống. Đa số các nghệ nhân đều sinh sống tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ cần đi liền với việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Điều này không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho các nghệ nhân, mà còn tạo thêm động lực để các Nghệ nhân Ưu tú phát huy tối đa vai trò của mình, truyền thụ cho các thế hệ sau, để văn hóa, nghệ thuật truyền thống không bị mai một trong cộng đồng 43 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm