Một tiết mục biểu diễn giàn nhạc ngũ âm . Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Tham gia thi tài, biểu diễn tại Liên hoan nhạc là các nhạc công, diễn viên múa không chuyên của 11 đội đến từ 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Mỗi đội dự thi tham gia ở cả 2 thể loại là biểu diễn nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer.
Theo thể lệ, Liên hoan nhạc ngũ âm thể loại hòa tấu từ 5 – 10 phút với các nhạc phẩm mang âm hưởng dân gian, nhạc lễ cưới, lễ hội và những bài truyền thống cách mạng. Các đội dự thi ở dàn nhạc lớn gồm 8 nhạc cụ và dàn nhạc nhỏ gồm 5 nhạc cụ (Skô thum, Rô neat thung, Rô neat Ek, Cong Tock, Srolay Pin Peat). Múa dân gian Khmer, mỗi chương trình từ 10 – 15 phút.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Cao Xuân Thu Vân, sự kiện được tổ chức nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Liên hoan cũng là dịp để công chúng thưởng thức hòa tấu nhạc ngũ âm và múa dân gian dân tộc Khmer, cũng như phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phong trào văn hóa - văn nghệ trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Tiến sỹ, Nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng – Trưởng Ban giám khảo cho biết, mặc dù không chuyên, nhưng phần thi của các đơn vị “cháy hết mình” theo từng giai điệu. Một số bạn trẻ thể hiện phần trình diễn nhạc ngũ âm khá thuần thục, cũng như các điệu múa dân gian uyển chuyển, nhịp nhàng… tạo ấn tượng, thu hút người xem, đây là tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong thời kỳ mới.
Sau 3 ngày (27 – 29/12) tranh tài sôi nổi, gay cấn, đối với phần thi nhạc ngũ âm, Ban Tổ chức đã trao 2 giải A cho 2 đội: Chùa Chót (huyện Vĩnh Lợi) và Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu). Ban Tổ chức còn trao 4 giải B, 5 giải C cho các đội dự thi ở phần thi này.
Đối với phần thi múa dân gian, Ban Tổ chức trao 2 giải A cho 2 đội: Chùa Cũ (huyện Vĩnh Lợi) và Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu). Ban Tổ chức còn trao 3 giải C, 4 giải B cho các đội dự thi còn lại.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước với gần 74.000 người. Đồng bào dân tộc Khmer ở đây có đời sống văn hóa, văn nghệ vô cùng phong phú và đa dạng. Một trong những nhạc cụ truyền thống quan trọng không thể thiếu trong các buổi lễ, hội đó chính là dàn nhạc ngũ âm.
Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer còn được gọi là dàn nhạc Pin Piết đã có từ rất xa xưa, được thiết kế rất đẹp và tinh xảo bởi các nghệ nhân người Khmer, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xá, đảm bảo các yếu tố hòa âm cho cả dàn. Khi chơi nhạc, người biểu diễn thường tách ra thành từng nhạc cụ để độc tấu nhằm khai thác tối đa tính độc đáo trong âm thanh của từng nhạc cụ cũng như khả năng biểu diễn của từng nhạc công.
Với tính chất độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, để sử dụng thành thạo các nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm đòi hỏi người sử dụng phải hiểu được cách thức hòa âm, thật sự yêu nhạc và phải có tính sáng tạo.
Nhật Bình